1/7/13

KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN

Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, do khai thác bừa bãi và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nên nguồn lươn từ tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng và ngày càng khan hiếm. Để đáp ứng nhu cầu về lươn thương phẩm ngày càng tăng, hiện nay phong trào nuôi lươn phát triển rất mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước với các hình thức khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất có để cây tạp hay trồng thực vật thủy sinh che mát cho lươn. Tuy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế do lươn chui rút trong bùn nên rất khó theo dõi số lượng, tốc độ tăng trưởng, tình hình bắt mồi, dịch bệnh… của lươn nuôi để có thể có những biện pháp xử lý kịp thời. Mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của người nuôi do khắc phục được những hạn chế của mô hình nuôi lươn truyền thống cũng như khả năng thâm canh cao đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.   
1.Thiết kế bể nuôi
Nuôi lươn không bùn có thể sử dụng bể xi măng mặt trong ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt) hay đơn giản hơn là dùng tre đóng thành khung nổi trên mặt đất và lót bạt. Bể nuôi nên thiết kế hình chữ nhật, diện tích dao động từ 6 - 20 m2, chiều cao khoảng 0,7 - 1 m và trên thành bể nên viền các gờ bằng gạch tàu để đề phòng lươn thoát ra ngoài.
Đáy bể phải được làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng tống thức ăn thừa và sản phẩm bài tiết của lươn cũng như tháo cạn nước khi cần thiết. Cống thoát nên được thiết kế bằng ống nhựa PVC được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát. Nếu bể lươn xây mới thì bể và giá thể phải được ngâm ít nhất 1 tuần (thay nước hàng ngày) trước khi thả lươn giống. Giá thể cho lươn trú ẩn (đồng thời là “sàn ăn”) gồm 3 khung tre/gỗ đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, mỗi khung bao gồm các thanh tre/gỗ được đóng song song cách nhau 10 cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn. Để hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm tăng nhiệt độ nước, toàn bộ bể nuôi nên được che mát bằng lưới cách nhiệt (lưới lan) loại dày.
2. Con giống
            Có thể sử dụng lươn giống thu gom từ tự nhiên kích cỡ tốt nhất là 40 - 60 con/kg (thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi), tuy nhiên cần lưu ý nguồn gốc của lươn để tránh mua phải lươn bị chích điện hay nhữ mồi thuốc (tỷ lệ sống rất thấp), tốt nhất là nên mua lươn ở những cơ sở uy tín, lươn đã qua thuần dưỡng, đổng cỡ và không xây xát.
Mật độ thả nuôi thích hợp từ 200 - 250 con/m2 (trong khi nuôi lươn có bùn chỉ từ 60 - 90 con/m2) Trước khi thả vào bể, lươn phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 - 5‰ trong 15 phút. Giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột vì vậy phải bỏ đói lươn 3 - 4 ngày, đồng thời dùng Vitamin C pha loãng tạt vào bể lươn.
            Hiện tại việc sử dụng lươn giống được sinh sản bằng phương pháp bán nhân tạo cũng khá phổ biến, tuy nhiên kích cỡ lươn giống nhân tạo khá nhỏ chỉ khoảng 5g/con; do đó, lươn cần phải được ương nuôi trong bể nhỏ có đặt các chùm dây nylon làm giá thể trước khi thả vào bể nuôi thương phẩm. Tuy thời gian nuôi sẽ kéo dài hơn nhưng ở mô hình sử dụng con giống bán nhân tạo tỷ lệ hao hụt rất thấp và lươn nuôi có kích cỡ đồng đều hơn.
3. Chăm sóc và quản lý
- Cho ăn: Lươn là loài ăn tạp do đó thức ăn của lươn khá phong phú bao gồm cua, cá, ốc, giun, phụ phế phẩm gia cầm/gia súc, cám, bắp, khoai… Tuy nhiên để giúp lươn tăng trưởng tốt và kiểm soát lượng thức ăn sử dụng, người nuôi nên tuân thủ nguyên tắc “4 định” khi cho lươn ăn (định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí) nhằm tăng hiệu quả nuôi. Do thiên về thức ăn có nguồn gốc động vật nên có thể phối trộn thức ăn cho lươn theo công thức 90% cá biển (hoặc cá tạp, thịt ốc bươu vàng…) xay nhuyễn và 10% cám để tạo thành hỗn hợp có độ kết dính. Cho lươn ăn 1 - 2 lần/ngày với tỷ lệ thức ăn khoảng 2 - 4% trọng lượng thân (tùy giai đoạn nuôi), thức ăn được chia thành từng phần và rải lên giá thể cho lươn ăn. Do lươn có tập tính ăn đêm nên bắt mồi mạnh vào lúc chiều tối, tuy nhiên để thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý có thể tập cho lươn ăn vào ban ngày. Quan sát lươn bắt mồi để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và vớt thức ăn thừa sau khi cho ăn 30 – 45  phút để hạn chế ô nhiễm nước.
Chú ý, do lươn có tính lựa chọn thức ăn rất cao, một khi đã ăn quen loại thức ăn nào đó thì muốn đổi thức ăn khác là rất khó. Vì thế, ở giai đoạn thuần dưỡng lươn giống, không nên cho ăn ngay thức ăn theo công thức trên mà nên sử dụng 100% thức ăn ưa thích của lươn (trùn chỉ/trùn quế) để kích thích lươn bắt mồi. Sau đó, phối trộn từ từ trùn chỉ/trùn quế vào hỗn hợp cá biển xay và cám đến khi lươn bắt mồi mạnh thì mới chuyển hẳn sang cá xay và cám.
- Thay nước: Do nuôi với hình thức thâm canh và đặc điểm là loài thủy sản có da không vảy nên lươn rất mẫn cảm với chất lượng nước của môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho lươn ăn 2 - 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch. Luôn duy trì mực nước trong ao khoảng từ 30 - 35 cm vừa ngập các giá thể.  Hàng ngày kiểm tra loại bỏ lươn chết và thường xuyên kiểm tra cống bộng để tránh lươn thoát ra ngoài.
4. Phòng và trị bệnh
* Phòng bệnh: đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất do lươn được nuôi với mật độ cao, chất thải của lươn và thức ăn dư thừa làm môi trường nước mau ô nhiễm, nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Vì thế,  định kỳ cần sát trùng bể bằng Iodine (nồng độ 1 ppm) để hạn chế mầm bệnh và sỗ giun cho lươn bằng các sản phẩm trị nội ký sinh (2 tuần/lần). Nên bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, Premix khoáng để hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi, đồng thời cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, giữ vệ sinh bể nuôi và thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn để có biện pháp điều trị thích hợp khi dịch bệnh xảy ra.
* Trị một số bệnh thường gặp:
-Bệnh tuyến trùng: do lươn ăn thức ăn tươi sống nên thường xuyên bị ký sinh đường ruột đặc biệt là tuyến trùng. Khi bị ký sinh nặng, ruột lươn phình to, rối loạn tiêu hóa, hậu môn sưng đỏ, lươn hoạt động yếu, kiệt sức dần và chết. Điều trị: sử dụng các sản phẩm sỗ nội ký sinh như Vime-Clean (10g/40kg lươn) trộn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục 3 - 5 ngày và định kỳ sỗ giun cho lươn 2 tuần/lần.               
- Bệnh sốt nóng: do thả nuôi với mật độ dày, lươn quấn lấy nhau nên tiết nhiều nhớt; khi nhiệt độ nước trong bể tăng cao, nhớt lươn bị lên men làm môi trường nước bị ô nhiễm dẫn đến oxy hòa tan sụt giảm, lươn treo đầu, đầu lươn phồng to và chết hàng loạt. Điều trị: san thưa bể lươn, thay nước kết hợp với việc sử dụng Vitamin C Antistress (1g/2kg thức ăn) để chống sốc cho lươn.
- Bệnh đóng dấu (lở loét): do ký sinh trùng và vi khuẩn bám vào chỗ xây xát phát triển những vết loét lớn hình đồng tiền hay hình bầu dục. Khi bệnh nặng, đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, lươn thường ngoi lên khỏi mặt nước để thở, yếu dần và chết. Điều trị: sử dụng Vime-fenfish 500 (1mL/25kg lươn) để phun toàn bể  kết hợp sử dụng kháng sinh Trimethoprim hoặc Sulfamidine (5g/1kg thức ăn) trộn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục 5 - 7 ngày và bôi thuốc tím trực tiếp vào vết loét.
- Bệnh nấm thủy mi: do nấm kí sinh trên mình lươn, nấm là những đốm trắng giống như bông gòn bám chặt vào da lươn hút chất dinh dưỡng, làm lươn mất máu yếu dần rồi chết. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh. Điều trị: xử lý nước bằng Cenplex Cu (10g/m3 nước) trong bể nuôi lươn. Xử lý lần đầu nấm sẽ rơi rụng ra, liên tục vài lần lươn sẽ dần liền vết ghẻ.
5. Thu hoạch: Nếu thả giống lớn, sau 5 tháng nuôi có thể tỉa bớt lươn lớn để bán, nuôi được 6 tháng lươn đạt kích cỡ 3-4 con/kg thì tiến hành thu hoạch toàn bộ. Nếu áp dụng đúng qui trình kỹ thuật nuôi trên năng suất có thể đạt 45 – 50kg/ m2 bể ,  trong khi đó với mô hình nuôi lươn có bùn thì chỉ đạt 9 - 12 kg/m2 bể. Để nâng cao hiệu quả tài chính nên tính toán thời vụ nuôi thích hợp sao cho lúc thu hoạch rơi vào thời điểm gần đến sau tết Nguyên đán sẽ bán được giá cao.
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - CLBKH Chi cục Thủy sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét