1/7/13

PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ ĐIÊU HỒNG


Nuôi cá bè là hình thức nuôi thủy sản thâm canh, qui mô nhỏ nhưng năng suất cao. Ở Vĩnh Long, hiện nay nuôi cá lồng bè trên sông tập trung nhiều nhất ở khu vực sông Tiền thuộc ấp Tân Ngãi, cồn An Bình và thành phố Vĩnh Long chủ yếu là nuôi cá rô phi dòng GIFT, cá điêu hồng. Cá điêu hồng hay còn gọi là cá rô phi đỏ (Red Tilapia) là một loài nước ngọt thực chất là "con lai" của cá rô phi đen, thịt của hai loại cá này có thành phần dinh dưỡng như nhau, thịt ngon nhưng cá điêu hồng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do màu sắc “hấp dẫn”nên giá bán cao hơn cá rô phi đen. Trong điều kiện nuôi trên lồng bè cá phát triển rất tốt, cho năng suất cao và nhanh lớn, tuy nhiên nuôi trên lồng bè phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao và bệnh xảy ra là khó tránh khỏi, đặc biệt là vào mùa nắng nóng và mùa nước đổ. Vì thế người nuôi cần hiểu rõ một số bệnh thường gặp ở cá điêu hồng để phòng và trị hiệu quả hơn:

1. Bệnh do vi  khuẩn
1.1 Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn A. hydrophila
a. Triệu chứng: Cá có biểu hiện xẫm màu từng vùng ở bụng, xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể, hoại tử vây đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng, các khối u trên bề mặt cơ thể, vẫy dễ rơi rụng, bơi phân tán, không định hướng trên mặt nước khi chết thường chìm dưới đáy; Xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử;  Mắt lồi, mang nhợt nhạt, các tia mang kết lại với nhau
b. Phòng bệnh: Không nuôi mật độ quá dầy, cho cá ăn đầy đủ; Vào đầu mùa dịch nên định kỳ bổ sung vitamin C trong thức ăn với liều lượng 5-10 g/100kg cá; tránh gây sốc cá cũng như đánh bắt làm xây xát cá;  Cá khi mua về cần kiểm tra kỹ và loại bỏ cá có dấu hiệu bệnh, tốt nhất là tắm cá trong nước muối 0,5% trong 5 – 10 phút;  Treo lá xoan 5-10 kg/10 m3 vào bao tải để ở đầu ao có nước ra vào; cọ rửa bè định kỳ, dọn sạch cỏ rác xung quanh bè nuôi
c. Chữa trị:: dùng vôi bột 2 -6 kg/100m3 nước để xử lý nước ao cá bệnh; hhi cá bệnh đốm đỏ, cần sử dụng kháng sinh Oxytetracycline 20 - 25 g/m3, tắm trong vòng 60 phút hoặc trộn 20 - 25 g/100 kg thức ăn. Bên cạnh đó bổ sung thêm các loại vitamin vào thức ăn và dùng liên tục 5-7 ngày, hoặc sử dụng Doxycyline liều lượng 2 – 4g/1 kg thức ăn, VitC 1 – 2g/ 100kg cá bệnh
1.2 Bệnh sưng phù và nổ mắt do vi khuẩn Streptococcus
a. Biểu hiện: bệnh gây ra thường xuất hiện vào mùa khô. Bệnh có nhiều biến đổi tuy nhiên thông thường xuất huyết, sưng trên da, miệng và ở các gốc vây. Xoang bụng thường chứa dịch đỏ. Mắt lồi, xuất huyết. khi mổ bên trong có biểu hiện gan nhạt, tùy tạng đỏ đậm, thận bình thường. Bệnh thường lây từ cá sang cá hoặc từ thức ăn (phân cá bệnh)
b. Phòng bệnh: Ứng dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp: nuôi ở mật độ vừa phải, chọn con giống khỏe mạnh, quản lý tốt trong quá trình cho ăn, định kỳ bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, định kỳ vệ sinh bè, tắm cá và diệt khuẩn môi trường nước.
c. Trị bệnh: Dùng kháng sinh để trị bệnh (Erythromycine 25 – 50mg/kg thể trọng cá trị liên tục 5 -7 ngày hoặc dùng Doxycyline để trị bệnh cá 30 – 50 g/1 tấn cá liên tục trong 5 – 7 ngày.
1.3 Bệnh thối mang do vi khuẩn Myxococcus piscicolas
Vi khuẩn này phát triển mạnh ở môi trường có pH = 6,5 – 7,5, nhiệt độ nước 25 – 35oC.
            a. Biểu hiện: Cá bệnh có dấu hiệu bơi tách đàn, bơi lờ đờ trên mặt nước, khả năng bắt mồi giảm đến ngừng ăn; c
ác tơ mang cá bị thối nát, ăn mòn, rách nát, xuất huyết, thối rữa và có lớp bùn dính rất nhiều; bề mặt xương nắp mang bị xuất huyết, ăn mòn và có hình dạng không bình thường
b. Phòng bệnh: nếu nuôi trong ao cần thực hiện tốt khâu chuẩn bị ao nuôi, vét sạch bùn đáy ao; Trong quá trình nuôi phải quản lý tốt môi trường để hạn chế ô nhiễm hữu cơ thông qua việc quản lý lượng thức ăn; Định kỳ thay nước ao để giữ môi trường trong sạch; Thường xuyên vệ sinh thành lồng bè để đảm bảo lưu tốc dòng nước chảy cho phù hợp; Định kỳ xử lý nước môi trường nuôi.
c. Trị bệnh: Trộn kháng sinh vào cho ăn (Doxycyline, Amoxcyline, Sulpha) liều lượng 30 – 50 g/ 1 tấn cá trị liên tục trong 5 – 7 ngày tắm ký sinh cho cá, diệt khuẩn nước bằng iodine
2. Bệnh nấm thuỷ mi
a. Triệu chứng: Cá rô phi vốn là loài chịu lạnh kém, khi nhiệt độ nước ao xuống dưới 120C kéo dài trong nhiều ngày. Khi đó cá chúi xuống bùn đáy ao. hoặc nằm sâu đáy bè, khi đó chúng sẽ ngừng ăn và lập tức bị nấm thuỷ mi tấn công. Cá chết, bị nấm hút hết dinh dưỡng nên cá nổi lên mặt nước. Bằng mắt thường có thể thấy nấm đã bao bọc thành búi trắng như bông quanh thân cá.
b. Phòng bệnh: Ao hoặc lồng bè  nuôi phải được tẩy dọn kỹ sau mỗi vụ nuôi; làm tốt công tác về kỹ thuật nuôi như: đảm bảo cá khoẻ mạnh, không bị xây xát và giữ môi trường nước luôn sạch;  khi có hiện tượng bệnh cần cách ly để tránh sự lây lan.
c. Chữa trị:  Tắm cá bệnh trong nước muối 2 - 3 kg/100 lít nước trong 10 - 15 phút. Bên cạnh đó cần cho cá ăn đầy đủ các chất, tăng sức đề kháng cá ngay từ trước mùa mưa.
3. Bệnh do ký sinh trùng
a. Triệu chứng: cá biểu hiện ngứa, hay nhảy phóng bất chợt, bơi lờ đờ
b. Phòng bệnh:Tắm cá thường xuyên để diệt ký sinh trùng đặc biệt là vào mùa mưa và nước đổ
c. Trị bệnh: dùng CuSO4, 25 g/m3 nước, tắm cá 10 - 15 phút. Hoặc dùng formol với liều lượng  0,15 - 0,20 lít/m3 nước, tắm cá trong vòng 30 - 40 phút
Khi sử dụng thuốc và hóa chất trong phòng và trị bệnh cho cá , người nuôi phải tuyệt đối không sử dụng các loại nằm trong danh mục cấm do Bộ NN&PTNT ban hành. Bên cạnh đó nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng vật nuôi, gia tăng sự chuyển hóa hấp thu thức ăn của cá, biện pháp này sẽ góp phần giảm thiểu dịch bệnh, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng sẽ bán được giá cao hơn.
Ks. Nguyễn Bá Duy – CLBKH CCTS


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét