27/11/16


Xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã kiểu mới đểgia tăng lợi ích cho nông dân
                                                               ThS. Phạm Thị Thu Hồng – CCTS Vĩnh Long

Sự cần thiết xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã kiểu mới
Hợp tác xã (HTX) là loại hình hoạt động kinh tế “sinh sau, đẻ muộn” so với loại hình kinh tế cá thể, kinh tế hộ và loại hình doanh nghiệp tư bản và đang tiếp tục phát triển. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bản chất của HTX không phải là sự phủ định, sự thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ.
Theo số liệu thống kê, đến năm 2013, cả nước có 19.800 hợp tác xã (HTX) và gần 380.000 tổ hợp tác với 13,5 triệu xã viên, tổ viên. Lực lượng lao động này chiếm 25,4% tổng số lao động cả nước (53,25 triệu người) nhưng chỉ đóng góp khoảng 5% GDP cả nước. Theo Liên minh HTX Việt Nam, lợi nhuận bình quân của một HTX năm 2014 là 246 triệu đồng/năm, tức là một ngày chỉ có 670.000 đồng, trong đó chỉ có khoảng 10% số HTX nông nghiệp làm ăn đạt hiệu quả tốt, khoảng 60-70% số HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, còn lại khoảng 20-30% HTX đã phải ngừng hoạt động. Chỉ 9% HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Như vậy, với số lượng khoảng 1000 HTX hoạt động có hiệu quả trong tổng số hơn 10.339 HTX nông nghiệp ở 9.000 xã của cả nước, với số hộ xã viên chiếm khoảng 4 - 5% hộ nông dân cả nước thì mô hình HTX hiện nay không thể đóng vai trò dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam đi lên trong thời kỳ cạnh tranh toàn cầu.
Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế nông nghiệp rất phát triển, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, trái cây và thủy sản.Tuy nhiên, phần lớn cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định; quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao; sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch sản xuất cho từng vùng, loại sản phẩm chưa phổ biến; sản xuất nhiều khi không thích ứng nhu cầu thị trường;...Để phát triển nông nghiệp bền vững và có hiệu quả, cần thiết phải phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở hoàn thiện, nhân rộng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới là một giải pháp cơ bản, lâu dài, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân; giúp hộ nông dân khắc phục được một cách cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết một cách hữu cơ chuỗi giá trị sản xuất nông sản và sức mạnh tập thể thành viên, từ đó giúp cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.Theo GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân (Hợp tác xã kiểu mới: Giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp VN, 2015): HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì: nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực, sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá,...) vì họ vẫn là người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời các hộ nông dân được sự hỗ trợ rất hiệu quả của HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại. HTX kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn nhiều cho người nông dân, mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước - giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp và ngân hàng - giảm chi phí, giảm rủi ro và lợi ích cho các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực thương mại quốc tế. HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam.
Chủ trương và cơ chế xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã kiểu mới
Ngày 21/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương. Theo đó, các mô hình thí điểm HTX, liên hiệp HTX phải phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012; tôn trọng tính tự nguyện của thành viên, HTX thành viên, tự chủ của HTX, liên hiệp HTX; phát triển từng bước, tự chủ, vững chắc; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Nhà nước có sự hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của HTX gắn với tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX, liên hiệp hợp tác xã.
Nội dung, cách thức và lộ trình thí điểm hoàn thiện mô hình: Tập trung thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX với các thành viên là HTX thành viên và các hộ nông dân sản xuất 3 sản phẩm chính là: Lúa gạo, thủy sản và trái cây; thời gian triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Cách thức thí điểm hoàn thiện mô hình là từng bước, gối đầu nhau, xuất phát trước hết từ thí điểm hoàn thiện mô hình HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản, sau đó đến mô hình liên hiệp HTX lúa gạo, mô hình liên hiệp HTX trái cây, mô hình liên hiệp HTX thủy sản. Đối với mỗi loại hình mô hình thí điểm cần thực hiện cách đi theo 3 giai đoạn.
* Giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến năm 2017): Thí điểm hoàn thiện mô hình HTX. Ưu tiên củng cố, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012 trong toàn vùng ĐBSCL, đồng thời vận động kết nạp thêm thành viên và tăng vốn góp của các thành viên; Khuyến khích thành lập mới các HTX lúa gạo, trái cây và thủy sản; Trong tổng số HTX được tổ chức lại và củng cố theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các hợp tác xã mới được thành lập, tùy điều kiện của địa phương, mỗi tỉnh lựa chọn số lượng thích hợp HTX lúa gạo, trái cây và HTX nuôi trồng thủy sản để làm mô hình thí điểm, thành viên của liên hiệp HTX dự định thành lập; Ưu tiên thí điểm các HTX, liên hiệp HTX tham gia các chuỗi giá trị nông sản; các tỉnh đã có liên hiệp HTX thì có thể lựa chọn liên hiệp HTX cùng các HTX thành viên làm thí điểm hoàn thiện. * Giai đoạn 2 (từ năm 2017 trở đi): Thí Điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh. Tùy điều kiện cụ thể của từng tỉnh để củng cố liên hiệp HTX lúa gạo hiện có hoặc thành lập mới làm mô hình thí điểm liên hiệp HTX, phấn đấu mô hình liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh đạt được các Mục tiêu như sau: Các HTX tham gia liên hiệp HTX quy mô tỉnh phải có ít nhất 100 thành viên; có vốn Điều lệ ít nhất 01 tỷ đồng; tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và ít nhất 4 HTX thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các hợp tác xã thành viên. * Giai đoạn 3 (từ năm 2018 đến 2020): Thí điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng. Phấn đấu mô hình thí điểm liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng đạt được các mục tiêu như sau: Các HTX thành viên khi tham gia liên hiệp HTX quy mô vùng phải đảm bảo tổng số thành viên, vốn Điều lệ, tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; tùy theo quy mô, số lượng HTX thành viên tham gia vào liên hiệp HTX, số lượng thành viên tham gia HTX, sẽ xem xét, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Thành lập mô hình thí điểm liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây và thủy sản quy mô vùng ĐBSCL trên cơ sở củng cố một số mô hình liên hiệp HTX quy mô tỉnh sẵn có hoặc thành lập mới; theo đề án này phấn đấu có một số hoặc cả 13 liên hiệp hợp tác xã thành viên của 13 tỉnh, thành phố có nhu cầu hợp tác, tự nguyện tham gia; vốn Điều lệ của liên hiệp HTX quy mô vùng tối thiểu là 100 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động mô hình thí điểm liên hiệp HTX thủy sản quy mô vùng, tiếp tục củng cố các HTX thủy sản hiện có theo Luật Hợp tác xã 2012, vận động các hộ nông dân nuôi thủy sản có nhu cầu hợp tác, tự nguyện tham gia vào hợp tác xã thủy sản, khuyến khích các hợp tác xã thủy sản chưa phải là HTX thành viên tham gia vào mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã thủy sản quy mô vùng.
Việc hỗ trợ cho việc thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Hợp tác xã; kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020. Hàng năm, giao cho các Bộ, ngành, địa phương rà soát nhu cầu hỗ trợ cụ thể các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thí Điểm, tổng hợp, đề xuất nội dung hỗ trợ phù hợp theo chính sách hỗ trợ hiện hành phát triển hợp tác xã, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp vào kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh ĐBSCL ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX tại vùng đạt hiệu quả. Đối với mô hình thí điểm khác do tỉnh quyết định thì sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo, trong quá trình thực hiện thí điểm hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới, nếu phát sinh nhu cầu hỗ trợ cần thiết đặc biệt khác với chương trình hỗ trợ hiện hành, hoặc trong trường hợp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động có quy mô thành viên lớn, có tầm ảnh hưởng rộng với nhiều tỉnh, vùng hoặc liên vùng cần có chính sách hỗ trợ đặc thù, có quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và sau 2 năm hoạt động kể từ khi hoàn thành việc xây dựng mô hình thí diểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng phương án nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn vùng và trong cả nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét