26/2/17



BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NUÔI TRONG MÙA KHÔ
PTTH – CLB khoa học thủy sản

Hiện nay đang là giai đoạn cao điểm mùa khô nhưng vẫn có những cơn mưa trái mùa, thời tiết rất thất thường, dẫn đến các yếu tố thủy lý hóa của môi trường nước không ổn định. Nhiệt độ nước dao động rất lớn giữa ngày và đêm, có thể xuống thấp về đêm (từ 20 -24oC) hoặc tăng cao vào ban ngày (lên đến 32 -35oC), dẫn đến chất lượng lượng nước có nhiều thay đổi gây bất lợi cho đời sống thủy sinh vật, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe động vật thủy sản (ĐVTS) nuôi, nguy cơ mắc bệnh và tỉ lệ hao hụt cao. Bên cạnh đó, nguồn nước nuôi còn có nguy cơ bị nhiễm bẩn bởi chất thải từ các nhà máy, dầu xả thải từ các ghe tàu, thuốc bảo vệ thực vật (vụ lúa ĐX) và nước phèn đổ ra từ ruộng vào các tháng mùa khô cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cá nuôi. Tác nhân gây bệnh cho ĐVTS nuôi luôn hiện diện trong môi trường nước như vi khuẩn, ký sinh trùng, giáp xác ký sinh và nấm gây hại…khi chế độ dinh dưỡng cho cá không cân đối, chất lượng giống kém đồng thời gặp chất lượng nước ao không tốt hoặc vùng nuôi bị ô nhiễm thì vật nuôi sẽ phát sinh bệnh. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý và kỹ thuật chăm sóc tốt thì rất dễ lây lan thành dịch bệnh sẽ gây tác hại rất lớn cho nghề nuôi. Do đó, để bắt đầu vụ nuôi mới năm 2017, người nuôi cần chú ý tăng cường các biện pháp như sau:

1. Phải thực hiện tốt công tác phòng bệnh:
- Đặc thù đối tượng nuôi sống trong môi trường nước nên khó phát hiện dấu hiệu bệnh lý kịp thời và hiệu quả điều trị bệnh trên ĐVTS nuôi rất hạn chế, vì thế, nhất thiết người nuôi phải tuân thủ nguyên tắc " Phòng bệnh hơn trị bệnh" trong quản lý dịch bệnh mới có thể nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro trong sản xuất.
+ Phải cải tạo ao thật kỹ trước khi thả giống, định kỳ diệt mầm bệnh trong ao và tẩy giun sán cho cá. Định kỳ 10-15 ngày, để khử trùng nước ao có thể dùng vôi nông nghiệp hòa nước và tạt đều khắp ao với liều lượng 1,5-2kg/100m3 nước ao, có thể dùng các loại chế phẩm sinh học hoặc Chlorin, thuốc tím…để xử lý và khử trùng nước ao nuôi. + Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để kịp thời xử lý trường hợp bất thường; Định kỳ 1 lần/tháng lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu thuỷ lý, thuỷ hoá, mầm bệnh trong ao, cần xử lý nước cấp và lấy mẫu cá (cá bệnh, cá yếu) gửi về Chi cục thủy sản để được hỗ trợ xét nghiệm tác nhân gây bệnh;
- Cần tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh: Tiến hành kiểm dịch giống trước khi vận chuyển, dùng các biện pháp xử lý để tránh mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác như sát trùng cơ thể cá và phương tiện vận chuyển cá. Mặc dù ao đã tẩy dọn kỹ, nhưng cá giống có thể mang mầm bệnh vào ao hồ, nên sau khi kiểm dịch, tùy theo kết quả mà chọn: + Tắm cá bằng CuSO4 5H2O (phèn xanh) 2-5ppm/ 5-15 phút; Muối ăn NaCl 3-5%/ 3-5 phút; Formalin 200-300 ppm/ 15-20 phút
- Tăng sức đề kháng của cơ thể ĐVTS nuôi: Nên mua con giống để ương và nuôi có nguồn gốc bố mẹ rõ ràng, tốt nhất là nên sử dụng con giống đã được chọn lọc có chất lượng cao ở các Trung tâm giống thủy sản và các cơ sở ương có uy tín; định kỳ bổ sung Premix khoáng và Vitamin C thường xuyên để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa.
- Nên sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực... đập dập rồi bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng 5-10kg/mỗi lần treo sẽ nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do giảm nhu cầu sử dụng thuốc và hóa chất.
- Cần cải tiến kỹ thuật ương nuôi để cá có sức khỏe tốt: Không nên ương, nuôi mật độ quá dày; cho cá ăn đảm bảo đủ chất và số lượng theo giai đoạn phát triển, nên ứng dụng phương pháp cho ăn gián đoạn (1 tuần ngưng ăn 1 – 2 ngày) hoặc cho ăn 3 ngày đạm cao (30 – 35%) và 3 ngày đạm thấp (22 – 25%) nhằm tăng hiệu quả chuyển hóa thức ăn, giảm FCR và hạn chế chất thải ra môi trường ao nuôi. Khi cá có dấu hiệu bệnh nên giảm lượng thức ăn đồng thời tăng cường quản lý chất lượng nước trong ao ương và nuôi thật tốt, tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn và ao nhiễm bẩn trong quá trình sản xuất dễ dẫn đến lây lan thành dịch bệnh.
2. Tuân thủ nguyên tắc sử dụng hóa chất, kháng sinh để trị bệnh cho thủy sản a. Chỉ sử dụng hóa chất, kháng sinh để trị bệnh cho thủy sản khi biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh hoặc tác nhân gây bệnh (do vi khuẩn hay virut hay ký sinh trùng) và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, nhà sản xuất hoặc theo phác đồ điều trị (liều dùng, cách dùng, thời điểm…).
b. Khi sử dụng hóa chất, kháng sinh, phải:
- Kiểm tra so sánh thông tin trên nhãn hóa chất, kháng sinh với chỉ định điều trị của cán bộ chuyên môn, nhà sản xuất hoặc theo phác đồ điều trị;
- Hóa chất, kháng sinh đang dùng dở, thuốc sắp hết hạn được sử dụng trước;
- Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh đã hết hạn sử dụng hoặc hóa chất, kháng sinh đã biến đổi chất lượng;
- Tuân thủ thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn hoặc cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương.
c. Ghi thông tin về sử dụng hóa chất, kháng sinh vào hồ sơ lưu trữ theo điều khoản 3.5 của Quyết định 3824/QĐ- BNN-TCTS.
3. Tăng cường trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Chủ cơ sở nuôi phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản như sau:
a). Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chấp hành các quy định về kiểm dịch, quan trắc môi trường, báo cáo dịch bệnh, lưu trữ các loại hồ sơ liên quan tới quá trình hoạt động của cơ sở như con giống; cải tạo ao đầm; chăm sóc, quản lý động vật thủy sản; xử lý ổ dịch, chất thải và nước thải theo hướng dẫn của Chi cục Thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.
b) Hợp tác với Chi cục Thú y, Chi cục thủy sản trong việc lấy mẫu thủy sản và mẫu môi trường để kiểm tra các thông số môi trường, dịch bệnh, thu thập thông tin xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường và dịch bệnh động vật thuỷ sản.
c). Cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu về quan trắc môi trường, giám sát, phòng, chống bệnh động vật thuỷ sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
d) Chỉ sử dụng thuốc, vắc xin, hóa chất, chế phẩm thuộc Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
e) Tham dự các khóa tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản, kỹ thuật nuôi do Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, khuyến nông, khuyến ngư tổ chức.
4. Phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi cá tra thương phẩm
Ngươi nuôi phải tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 02 - 20: 2014/BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2014. Ngoài ra, cần lưu ý thêm một số nội dung sau:
a) Xử lý nước, chất thải: Nước xả, chất thải từ ao đang nuôi phải được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y bằng vôi bột, hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Trường hợp ao xảy ra bệnh ở vụ trước, cơ sở nuôi phải xử lý nước đảm bảo không còn mầm bệnh trước khi xả thải.
b) Chọn và thả giống: Cá tra giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này; Mật độ thả nuôi: Theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản.
c) Quản lý chăm sóc: + Thức ăn: Sử dụng thức ăn có các thành phần, kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá; không mang mầm bệnh; Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y có thẩm quyền. + Chỉ được sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y thủy sản; + Ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất; +Hàng ngày, theo dõi sức khỏe cá như: màu sắc, khả năng hoạt động, lượng thức ăn tiêu thụ; kiểm tra màu nước, các chỉ tiêu môi trường, sự xuất hiện của các yếu tố địch hại; + Chủ cơ sở nuôi cần theo dõi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong khu vực/vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh; + Khi cá có dấu hiệu bất thường, chủ cơ sở nuôi phải thông báo ngay cho cơ quan thú y để xác định kịp thời tác nhân gây bệnh.
d) Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: + Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi: DO (hàng ngày); pH, độ kiềm (02 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/1 lần). + Dụng cụ: Không dùng chung dụng cụ giữa các ao, lồng, bể. Dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi sử dụng. + Người làm việc tại cơ sở nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng khi ra, vào cơ sở. + Cá bệnh, cá chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom và xử lý kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ thú y, cơ quan quản lý thú y thủy sản.
Trong trường hợp ĐVTS nuôi bị bệnh, phải chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp, không được tùy tiện sử dụng kháng sinh và các hoá chất, nhất là những sản phẩm có chứa hoạt chất nằm trong danh mục Nhà nước cấm hoặc hạn chế sử dụng; tốt nhất nên theo đúng hướng dẫn của chuyên môn kỹ thuật để tránh tồn lưu trong sản phẩm gây mất an toàn thực phẩm dẫn đến tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. Hãy liên hệ với Chi cục Thủy sản – ĐT 0703 824104 hoặc 0939999960 để được hỗ trợ kịp thời./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét