30/5/18

VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG THỊ TRƯỜNG EU
Tiểu Mi – Chi cục Thủy sản

Thị trường EU cùng với thị trường Mỹ là 02 thị trường chính xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam chiếm trên 45% tỷ trọng xuất khẩu. Vài năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sụt giảm nhanh chóng (từ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống 15% năm 2016, 11,8% năm 2017). Sự sụt giảm cá tra ở thị trường EU do tác động bởi yếu tố khách quan như khủng hoảng kinh tế chung trên thế giới cho đến yếu tố chủ quan về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến cá tra so với các doanh nghiệp quốc tế đang kinh doanh các loài cá thịt trắng (cá tuyết, cá Alaska pollock), cá biển khác như cá ngừ, cá hồi; trở ngại về các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Tại EU, người tiêu dùng nhìn nhận hình ảnh về sản phẩm cá tra chưa thân thiện với môi trường, có thể gây mất cân bằng sinh thái vùng sông nước vùng nuôi, sử dụng thuốc kháng sinh, sử dụng Natri Photphat có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng… Tuy nhiên, thị trường EU cùng với thị trường Mỹ vẫn là hai thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang EU sụt giảm nhưng đây vẫn là thị trường chính, được xác định cần phải giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững cho các thị trường khác.
Để một nước, vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật vào EU thì phải được Cơ quan thẩm quyền EU đánh giá tương đương về: (i) hệ thống luật pháp;(ii) năng lực cơ quan thẩm quyền; (iii) điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản; (iv) chương trình giám sát quốc gia. Đối với các nước xuất khẩu thì cần lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của EU, gửi EU để đưa vào danh sách. Chỉ có doanh nghiệp trong danh sách mới được phép xuất khẩu vào EU; Các lô hàng xuất khẩu sang EU phải được kiểm tra, cấp chứng thư theo mẫu của EU. Riêng về phía EU: đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, nước thành viên có trách nhiệm kiểm soát theo đúng quy định của Liên minh EU, kiểm tra các mối nguy về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, một số nước thành viên có thể áp dụng thêm một số biện pháp ngoài quy định chung của cộng đồng; Sản phẩm không đảm bảo sẽ được xử lý theo các quy định phù hợp. Theo Chỉ thị 97/78, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có lô hàng bị cảnh báo sẽ bị đưa vào danh sách kiểm tra chặt (10 lô liên tiếp, nếu tiếp tục phát hiện sẽ là 30 lô); Cơ quan thẩm quyền EU định kỳ sang thanh tra hệ thống và công nhận hệ thống kiểm soát của Việt Nam tương đương EU.
Hiện nay, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập tương đối sâu và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường các nước EU và là 1 trong 5 nước dẫn đầu về kim ngạch thủy sản xuất khẩu vào EU. Do đó, để giữ vững thị trường này, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hóa chất nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp, xử lý kịp thời vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Đối với các tỉnh có phát triển nghề sản xuất cá tra xuất khẩu thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản áp dụng quy trình quản lý chất lượng đảm bảo; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu thị trường và truy xuất được nguồn gốc; tổ chức hoạt động giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc các vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh bảo quản thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cũng cần phải tăng cường kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là hóa chất kháng sinh đối với các lô hàng xuất khẩu, điều chỉnh kế hoạch HACCP, có tần xuất lấy mẫu kiểm hóa chất kháng sinh khi tiếp nhận nguyên liệu phù hợp; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Bộ, hướng dẫn của NAFIQAD và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người lao động, cũng như các chế độ phúc lợi được đảm bảo. 
Ngoài ra, để người nuôi và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu thì cần nghiêm túc tuân thủ các điều kiện nuôi cá tra thương phẩm và chế biến trong Nghị định 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra , trong đó, điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra (Điều 7) là đáp ứng các điều kiện về nuôi, chế biến trong đó phải đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm và trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu; áp dụng các tiêu chuẩn trong nuôi như Global Gap, ASC, VietGap,..; thực hiện theo các quy định của Cục Thú y về giám sát dịch bệnh trên cá tra theo kế hoạch tổ chức phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát vật tư đầu vào trong nuôi cá tra đến năm 2020; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án sản phẩm chủ lực quốc gia cá da trơn.
Từ những vấn đề về sự phát triển của ngành cá tra từ khâu nuôi trồng đến chế biến, cũng như thị trường xuất khẩu qua thơi kỳ hội nhập quốc tế. Để ngành hàng cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay thì việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết thông qua việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá Tra Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét