1/7/13

CHI CỤC THỦY SẢN ƯU TIÊN HỖ TRỢ CÁC XÃ ĐIỂM NÔNG THÔN MỚI


Thực hiện công văn số 36/SNNPTNT ngày 5/2/2013 của sở Nông nghiệp & PTNT về việc Xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng xã điểm Nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2015, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Chi cục Thủy sản (CCTS) đã xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2013 với các nội dung như tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản (4 lớp/năm); hỗ trợ đầu tư, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế (3 – 5 mô hình/năm nhằm hỗ trợ các xã điểm nông thôn mới trong việc thực hiện đạt các chỉ tiêu về thu nhập (tiêu chí 10) trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong khuôn khổ dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo giai đoạn 2011 – 2013” thực hiện năm 2013, từ ngày 2 – 26/4/2013 CCTS đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng phương pháp sinh sản bán nhân tạo và kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình với 40 hộ nông dân trong vùng triển khai dự án tham gia.
Với mục tiêu của dự án: Phát triển và chuyển giao qui trình kỹ thuật sản xuất giống bằng phương pháp bán nhân tạo và nuôi lươn thương phẩm cho người sản xuất để chủ động sản xuất con giống cung cấp cho người nuôi nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững, trong năm 2013, CCTS đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình sản xuất giống (24m2/mô hình) và 12 mô hình nuôi thương phẩm (40m2/mô hình). Đặc biệt là để hỗ trợ các xã điểm nông thôn có điều kiện thực hiện đạt các chỉ tiêu về thu nhập, dự án đã triển khai ở các xã Mỹ Lộc (thuộc 9 xã điểm NTM ưu tiên năm 2013) 7 mô hình và xã Song Phú 5 mô hình (thuộc 22 xã điểm Nông thôn mới) đều thuộc huyện Tam Bình
Qua lớp tập huấn, nông dân sẽ học được kỹ thuật thuật sản xuất lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo; trực tiếp thực hành các kỹ thuật từ khâu làm bể bạt, cách xử lý đất, trãi đất vào bể, chọn lựa lươn bố mẹ đến kỹ thuật vớt trứng, ấp trứng và chăm sóc lươn bột; và kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cũng như cách phòng trị một số bệnh thường gặp trên lươn. Thông qua dự án sẽ giúp người nuôi nâng cao hiệu quả tài chính trên diện tích đất sản xuất của mình và chủ động nguồn giống cung ứng cho nuôi để giảm áp lực cho nghề khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, xâm hại nguồn lợi tự nhiên và gián tiếp góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

Cũng trong kế hoạch triển khai dự án “Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn Ứng dụng theo Qui trình Global GAP giai đoạn 2011-2015thực hiện năm 2013 từ nguồn nguồn vốn sự nghiệp đầu tư cho Chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn phân bổ cho Ngành Nông nghiệp, từ ngày 11-12/04/2013, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi cá tra theo quy trình nuôi tiên tiến GLOBAL GAP/ASC” tại công ty Cổ Chiên, xã Thanh Bình (thuộc 22 xã điểm NTM) huyện Vũng Liêm cho 30 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và người lao động của các trang trại nuôi cá tra thuộc công ty Trí Minh, Phước Anh và Cổ Chiên.
 Hiện nay các ngành hàng cá tra đang sản xuất theo hướng phát triển bền vững toàn cầu, dự kiến đến năm 2020, 100% sản lượng cá tra xuất khẩu phải được chứng nhận quốc tế, trong đó đến năm 2015 sẽ có 50% tổng sản lượng thủy sản đạt chứng nhận ASC  theo bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF)

Bộ tiêu chuẩn PAD (Pangasius Aquaculture Dialogue) hay “Đối thoại nuôi cá tra” được quản lý bởi Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC – Aquaculture Stewardship Council). ASC được thành lập vào năm 2010 bởi WWF và IDH (Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan) với mục đích là cải thiện ở một mức độ nào đó các vấn đề về môi trường và an sinh xã hội liên quan đến các hoạt động nuôi cá tra.
Theo kế hoạch, năm 2013, tỉnh Vĩnh Long sẽ có 3 cơ sở nuôi đầu tiên đạt chứng nhận ASC. Thực hành sản xuất đạt các chứng nhận quốc tế là thách thức cho ngành công nghiệp cá tra Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu nhưng cũng là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chủ lực quốc gia trên thị trường thế giới.
Không những ưu tiên hỗ trợ các xã xây dựng NTM, đơn vị còn quan tâm đến nhu cầu trang bị kiến thức chuyên môn về kỹ thuật nuôi thủy sản của nông dân ở các xã khác. Vừa qua, vào ngày 08/5/2013, Chi cục thủy sản Vĩnh Long tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm” cho 33 hộ nuôi cá lóc tại 2 xã Phú Thành và Lục Sĩ Thành thuộc huyện Trà Ôn là Hội viên của Hội làm vườn tỉnh Vĩnh Long.
Qua buổi tập huấn này, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm và cách phòng trị bệnh thường gặp trên cá lóc, biết được các loại thuốc và hóa chất cấm sử dụng theo qui định quản lý ngành cũng như cách sử dụng đúng thuốc - hóa chất trong nuôi thủy sản để hướng tới mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là dịp các hộ nuôi cá lóc ở địa phương trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cũng như những vướng mắc trong quá trình sản xuất với nhau nhằm nâng cao lợi nhuận hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng xã mình ngày càng “mới” hơn.
Tiểu Mi – CLBKH Chi cục Thủy sản Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét