24/6/14


NGHỊ ĐỊNH 36/2014/NĐ-CP VỀ NUÔI, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU CÁ TRA –CÔNG CỤ PHÁP LÝ BẢO VỆ NGƯỜI SẢN XUẤT CHÂN CHÍNH!

            Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Tám -Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL  trước các luồng ý kiến trái chiều về tính khả thi của Nghị định từ một số doang nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra.

                                                    ThS. Phạm Thị Thu Hồng – CCT Chi cục Thủy sản

Sự cần thiết ban hành Nghị định

Cá tra là đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua 12 năm (2001-2012), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200ha lên 6.000ha; sản lượng từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn; thành phẩm xuất khẩu (XK) từ 17.000 tấn lên 660.000 tấn, và giá trị XK từ 40 triệu USD lên 1,7450 tỉ USD (năm 2011 đạt 1,805 tỉ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước). Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng, đến nay đã có 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam. Trong năm 2013, mặc dù gặp rất  nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thách thức từ các rào cản kỹ thuật, thương mại của thị trường nhập khẩu, các tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn giữ đươc tổng diện tích nuôi là 5.200 ha, sản lượng đạt 1.150.000 tấn với tổng kim ngạch XK đạt  1,760 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012).

 ‘Kỳ tích” trong từng ấy năm phát triển là thế nhưng ngành hàng cũng đã bộc lộ song hành nhiều bất cập, hạn chế trong nuôi, chế biến và xuất khẩu như: (i) Công tác qui hoạch và quản lý ngành hàng: sản xuất mang tính tự phát, không có sự định hướng phát triển kịp thời của cơ quan quản lý nước;(ii) về tổ chức và liên kết sản xuất (LKSX) lỏng lẻo, phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị không hài hòa; cạnh tranh thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm chiến lược của quốc gia; (iii) về thương mại: quá nhiều đầu mối xuất khẩu, dư thừa công suất chế biến, sản phẩm không đồng nhất, kém chất lượng trong khi rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật càng gia tăng; đặc biệt giá thu mua nguyên liệu luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất; (iv) vai trò của các Hội nghề nghiệp mờ nhạt: chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người sản xuất chưa được thể hiện rõ, vai trò cầu nối giữa các các mắc xích trong chuỗi sản xuất chưa được phát huy….Hậu quả, trong những năm gần đây việc sản xuất tiêu thụ cá tra gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người nuôi bị thua lỗ kéo dài, nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gia tăng, hiệu quả kinh tế chung của ngành hàng trong thời gian qua rất thấp đã góp phần làm thiệt hại đến lợi ích của quốc gia. Vì vậy, phải có khung pháp lý mang tầm vĩ mô để thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý ngành hàng cá tra nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém tồn tại trong quá trình phát triển,  trong đó phải có cơ chế để kiểm soát sản xuất, giám sát hoạt động chế biến, XK nhằm bảo đảm chất lượng, uy tín để khẳng định thương hiệu cá tra VN; phải có cơ chế nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan quản lý NN, phát huy vai trò tổ chức Hội ngành hàng trong điều hành sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích các thành phần tham gia chuỗi gía trị để từng bước đưa ngành hàng cá tra vào sự quản lý toàn diện, phát triển một cách vững chắc, hiệu quả và ổn định.

Không còn “mạnh ai nấy làm”

 Đã qua thời tự phát, điều kiện sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đã được xác định rất rõ ràng, cụ thể, đây là ngành nghề có điều kiện thể hiện tại điều 4, 5, 6,7 của Chương II: Nuôi, chế biến cá tra. Theo đó, để đủ điều kiện sản xuất cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm (điều 4) phải nằm trong vùng qui hoạch; phải được cơ quan quản lý NTTS địa phương xác nhận việc đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá Tra thương phẩm, ngoài việc phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về NTTS còn phải được cơ quan quản lý NTTS địa phương chứng nhận, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm. Đặc biệt nhất là đến ngày 31/12/2015 các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Các qui định này nhằm kiểm soát sản lượng, diện tích nuôi, đảm bảo chất lượng cá tra thương phẩm và truy xuất nguồn gốc cá tra XK được dễ dàng để không còn điệp khúc cung – cầu  chênh nhau: cái cớ mà một số nhá máy chế biến có vùng nuôi do “bắt cá nhà” để ép giá thu mua nguyên liệu của hộ nuôi!

Tương đồng với điều kiện nuôi, để được hoạt động cơ sở chế biến cá tra phải thỏa các điều kiện nhất định. Ngoài việc phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thực phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; phải nằm trong quy hoạch nuôi, chế biến cá Tra đã được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận, các cơ sở còn phải áp dụng các biện pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và đối với cơ sở mới phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cơ sở chế biến thủy sản đủ điểu kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và kiểm tra, công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi hoạt động. Các qui định này nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá tra nguyên liệu, tăng cường qui định pháp lý về mối liên kết giữ cơ sở nuôi cà cơ sở chế biến, góp phần hạn chế tình trang tăng tổng công suất chế biến quá cao so với nhu cầu thị trường tiêu thụ.

              Thực hiện những điều kiện trên, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được tăng cường,  hoạt động nuôi, chế biến cá tra thương phẩm sẽ được chấn chỉnh lại để điều tiết sản lương cung cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời quản lý tốt chất lượng cá tra thương phẩm xuất khẩu từ cộng đoạn nuôi đến chế biến. Bên cạnh đó, để giữ vững thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới,  tại điều 6 của Nghị định cũng  đã đưa ra yêu cầu các điều kiện về chất lượng cho sản phẩm cá tra xuất khẩu. Đây là một trong những ràng buộc trước khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra để bảo vệ quyền lợi và cạnh tranh công bằng, minh bạch của các thương nhân “làm ăn” chân chính. Cụ thể là cá Tra nguyên liệu phục vụ chế biến cá Tra phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này, phải sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với quy định của nước nhập khẩu; chú ý nhất là tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khau. Các trường họp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và Hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm; và ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam và nước nhập khẩu về ghi nhãn thực phẩm, trên nhãn sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh phải thể hiện các thông tin: Khối lượng tịnh của sản phấm; tỷ lệ mạ băng; tên các loại hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến sử dụng trong quá trình chế biến. Qui định này như lời tuyên chiến với những tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra kém chất lượng!

              Những qui định chặt chẽ về điều kiện chất lượng, ATVSTP đối với sản phẩm cá tra chế biến, ngoài những qui định chế tài của Luật ATTP, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa…những doanh nghiệp vi phạm những qui định này còn bị đình chỉ xuất khẩu lô hàng hay bị buộc tạm dừng xuất khẩu. Đây là biện pháp kiên quyết để xử lý những ai cạnh tranh thiếu lành mạnh đã tự hạ thấp uy tín của sản phẩm cá tra xuất khẩu, không những làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất mà còn là cơ sở để một số thị trường nhập khẩu bôi nhọ sản phẩm cá Tra Việt Nam trong thời gian qua..

Trao quyền cho Hiệp hội cá tra – cơ chế đột phá trong công tác quản lý

     Một trong những nội dung nổi bật được doanh nghiệp quan tâm là quy định doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá Tra và cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng XK sản phẩm cá Tra đã được Hiệp hội cá Tra Việt Nam xác nhận.

     Để được xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu, ngoài yêu cầu cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở chế biến cá Tra phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này, đối với thương nhân không có cơ sở chế biến cá Tra thì phải có hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua sản phẩm cá Tra tại cơ sở chế biến cá Tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này; phải có Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm (áp dụng đối với trường họp thương nhân sử dụng cá Tra thương phẩm từ các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình); phải có họp đồng mua cá Tra nguyên liệu với tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này (áp dụng đối với trường hợp thương nhân sử dụng cá Tra thương phẩm mua từ các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình). Nếu hồ sơ đáp ứng quy định trên và có giá mua cá Tra nguyên liệu cao hơn hoặc bằng giá sàn cá Tra nguyên liệu do Hiệp hội cá Tra Việt Nam công bố (ít nhất mỗi năm 02 lần) tại thời điểm nhận hồ sơ (áp dụng đối với thương nhân sử dụng cá Tra thương phẩm mua từ các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm không thuộc quyền sở hữu, quản lý của thương nhân) thì Hiệp hội cá Tra Việt Nam sẽ thẩm định tính xác thực của các điều kiện trên để xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra. Điểm nôi bật nhất mang tính logic của tất cả điều khoản qui định điều kiện sản xuất từ khâu nuôi đến thu mua, chế biến và xuất khẩu là cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra đã được Hiệp hội cá Tra Việt Nam xác nhận, thể hiện ý chí của nhà nước để cảnh báo: sẽ không còn “sân chơi” cho những ai tham gia hoạt động ngành hàng cá tra không “đàng hoàng tử tế’!

              Nghị định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2014 nhưng để có thời gian chuẩn bị áp dụng một số quy định bắt buộc, Nghị định cá tra quy định một số nội dung, thời hạn thực hiện chuyển tiếp cụ thể như sau: a) Các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành không phù hợp với quy hoạch nuôi cá Tra nhưng đáp ứng các điều kiện nuôi cá Tra quy định còn lại của điều 4 Nghị định này thì được tiếp tục hoạt động; b) Trước ngày 31/12/2015, thương nhân được phép mua cá Tra nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu từ các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm chưa đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định này; c) Trước ngày Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định  của Bộ NN &PTNT có hiệu lực thi hành, thì Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm chưa phải là thành phần bắt buộc trong hồ sơ đăng ký HĐXK cá Tra thương phẩm; d) Trước ngày 31/12/2014, sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh chưa đáp ứng chất lượng quy định tại Nghị định này được xuất khẩu nếu đạt chất lượng, ATVSTP thủy sản theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Những điều khoản chuyển tiếp thi hành là điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng thuộc phạm vi áp dụng có thời gian tự điều chỉnh, tổ chức sắp xếp lại sản xuất cho thích ứng và phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành đã thể hiện tính khả thi cao khi áp dụng pháp luật và đó cũng là mục tiêu của quản lý nhà nước.

               Trao trách nhiệm và quyền hạn cho Hiệp hội cá tra là một cơ chế rất đặc thù của nhà nước dành cho tổ chức nghề nghiệp của một đối tượng sản xuất, thể hiện sự đánh gía cao vai trò của tổ chức này trong chiến lược phát triển ngành hàng chủ lực của quốc gia. Tất nhiên Nghị định này không phải là “cây đủa thần’ để một sớm một chiều có thể thay bức tranh “đen thành trắng’ vốn đã tồn tại quá lâu của ngành hàng, nhưng chắc chắn rằng: nếu tất cả các Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ tài chính, UBND tỉnh các tỉnh, Hiệp hội cá Tra Việt Nam… cùng chung tay làm hết trách nhiệm của mình đã được Chính phủ giao (trong Nghị định) và tất cả thành phần tham gia ngành hàng cùng nhìn về một hướng - lợi ích quốc gia - thì kỳ vọng ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ được nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng, tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế sẽ thành hiện thực,  góp phần thực hiện tái cơ cấu thành công ngành thủy sản Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững hơn.
                                                                                               
                                                             



1 nhận xét: