25/6/14



KỸ THUẬT NUÔI CÁ TAI TƯỢNG THƯƠNG PHẨM HIỆU QUẢ
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - CLBKH Chi cục Thủy sản
Cá tai tượng (Osphronemus gouramy Lacepede) là đối tượng thủy sản được nuôi lâu đời ở nước ta do dễ nuôi, có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, tiêu thụ dễ dàng và có giá bán ổn định. Cá tai tượng là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được phụ phế phẩm từ hoạt động nông nghiệp để nuôi cá. Đây là loài thủy sản có khả năng chịu được môi trường nước giàu dinh dưỡng và ít bị dịch bệnh, tuy nhiên cá nuôi khá chậm lớn nếu nuôi theo phương thức truyền thống (cho ăn chủ yếu là thức ăn xanh như rau, củ, quả…). Để rút ngắn thời gian nuôi, cá cần được cho ăn với khẩu phần hợp lý vừa giúp cá phát triển nhanh, tận dụng được các loại thức ăn sẵn có và hạn chế được ô nhiễm môi trường nước nuôi.
1. Đặc điểm sinh học cá tai tượng:
Cá tai tượng có phân bố tự nhiên chủ yếu ở một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia… Ở Việt Nam, cá tai tượng được tìm thấy nhiều nhất là ở sông La Ngà - phụ lưu của sông Đồng Nai và các sông hồ ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Cá tai tượng sống trong các ao hồ, đầm lầy nước ngọt, thích vùng nước yên tĩnh và có nhiều cây cỏ thủy sinh. Đây là loài thủy sản có độ rộng nhiệt khá cao, có thể sinh sống trong ngưỡng nhiệt độ từ 16 - 42oC, tuy nhiên nhiệt độ thích hợp nhất cho sự phát triển của cá nằm trong khoảng từ 22 - 30oC. Cá tai tượng có thể sống được trong môi trường nước lợ (6 - 8‰) và có độ pH thấp (pH = 4 - 5). Do có cơ quan hô hấp phụ nên cá tai tượng có thể sống được trong môi trường nước hàm lượng chất hữu cơ cao, nước tù đọng và có hàm lượng oxy hòa tan thấp. Cá tai tượng là loài cá tạp ăn thiên về thực vật, cá mới nở tự dưỡng bằng noãn hoàng (5 - 7 ngày), sau đó thức ăn của cá là các phiêu sinh vật, trùn chỉ, ấu trùng sâu bọ… Sau 1 tháng tuổi, cá chuyển sang ăn tạp thiên về động vật nhưng càng về sau cá thích ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật (rau, bèo, củ, quả, cây cỏ thủy sinh các loại, phụ phẩm nhà bếp…). Cá tai tượng có tốc độ tăng trưởng khá chậm, sau 1 năm cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg và sau 3 năm cá đạt trọng lượng khoảng 2 - 3 kg tùy vào loại thức ăn sử dụng. Cá tai tượng làm tổ và đẻ trong nước nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh, thành thục sinh dục sau 2 năm tuổi và cá cái đẻ khoảng 3.000 - 5.000 trứng/lần tập trung vào tháng 2 - 5 dương lịch.  
2. Kỹ thuật nuôi cá tai tượng thương phẩm:
- Hình thức nuôi: do cá tai tượng khá dữ và ăn tạp nên nếu nuôi với các loài cá khác sẽ tấn công các loài cá thả ghép chung, do đó thông thường cá được nuôi đơn. Tuy nhiên, do cá ăn thiên về thực vật nên môi trường nước ao nuôi rất dễ ô nhiễm và mau dơ do chất thải của cá rất nhiều (các chất xơ từ thức ăn không tiêu hóa được) vì vậy tốt nhất nên nuôi chuyền. Theo cách này, quá trình thả nuôi cá sẽ chia ra làm 2 - 3 giai đoạn, trước tiên cá được thả nuôi trong ao nhỏ, sau mỗi giai đoạn thì sẽ chuyển cá sang ao mới lớn hơn đã được cải tạo, ao cũ sẽ được cải tạo lại và thả nuôi đợt cá mới. Nếu nuôi chuyền thì ở giai đoạn mới thả có thể nuôi ghép tai tượng với một số loài cá ăn phiêu sinh (cá sặc rằn, cá trắm cỏ, cá hường) để cải thiện chất lượng nước nuôi, sau khi thu hoạch chuyển sang nuôi giai đoạn 2 hoặc 3 thì có thể thu hoạch các loài cá thả ghép. 
- Chuẩn bị ao nuôi: ao có diện tích từ 200 - 2000 m2 tùy theo điều kiện nông hộ, ao nuôi phải gần nơi có nguồn nước sạch, dồi dào, không bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ các nhà máy công nghiệp… Ao trước khi thả nuôi phải được sên vét bùn đáy, lấp các hang cua lỗ mọi, tu bổ cống bọng, diệt cá tạp, bón vôi bột cải tạo ao (10  - 15 kg/100m2), sau đó phơi khô đáy ao 5 - 7 ngày và lấy nước vào ao 1,2 - 1,5 m, bón phân chuồng đã ủ hoai hay phân DAP để gây màu nước trước khi thả giống.
- Thả giống: chọn cá giống đồng cỡ, khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc sáng, không bị xây sát dị tật. Cá giống thả nuôi tốt nhất có kích cỡ từ 8 - 10 cm, thả cá có kích cỡ càng lớn thì tỷ lệ sống càng cao. Mật độ thả nuôi là 5 - 10 con/m2 (tính theo diện tích ao thả nuôi chuyền giai đoạn cuối), thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Cho ăn: cá giống thả nuôi đã có thể sử dụng tốt các loại thực vật nhỏ như bèo cám, bèo hoa dâu, rau băm nhỏ… tuy nhiên khi cá còn nhỏ nên tăng cường thức ăn công nghiệp dạng viên cho cá có vẩy để tăng tỷ lệ sống ở giai đoạn này. Cá lớn có thể ăn hoàn toàn phụ phế phẩm nhà bếp như ruột gà vịt, mỡ bò, các loại rau, củ, quả… Tuy nhiên nếu chỉ cho cá ăn thức ăn từ thực vật cá sẽ chậm lớn, nên bổ sung thêm thức ăn tự chế biến (cá tạp, cua, ốc… xay nhuyễn trộn với tấm cám, rau xanh, phụ phế phẩm) hoặc thức ăn công nghiệp để cá phát triển tốt hơn, rút ngắn thời gian nuôi. Cho cá ăn 1 - 2 lần/ngày với tỷ lệ 2 - 5% trọng lượng thân và nên thường xuyên bổ sung rau xanh rải trên mặt ao cho cá ăn. Dù sử dụng loại thức ăn gì thì người nuôi cũng phải đảm bảo luôn giữ ổn định khẩu phần ăn của cá, tránh thay đổi thức ăn đột ngột để cá phát triển ổn định.
- Chăm sóc và quản lý: cá tai tượng phân đàn rất nhanh do đó định kỳ 1,5 - 2 tháng nên kéo cá để phân cỡ thả nuôi riêng để hạn chế hao hụt do cá lớn tấn công và cạnh tranh mồi với cá bé. Do tính ăn của cá tai tượng nên môi trường nước nuôi mau dơ nên cần quản lý tốt thức ăn sử dụng, tránh để dư thừa lại trong ao. Tuy cá có thể chịu đựng được môi trường nước ô nhiễm nhưng để cá phát triển tốt nên định kỳ thay nước hàng tuần, không để nước ao có màu xanh đậm và có mùi hôi. Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên, nên sử dụng các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản để cải thiện môi trường nước ao nuôi. Định kỳ nên bổ sung vào thức ăn Vitamin C, Premix và men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa giúp cá phát triển tốt hơn. Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để có thể kịp thời xử lý nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường.    
- Phòng trị bệnh: cá tai tượng ít có dịch bệnh xảy ra nếu môi trường nước nuôi được kiểm soát tốt. Khi có dấu hiệu bệnh, cần phải xử lý diệt mầm bệnh trong nước ao với các sản phẩm xử lý môi trường (BKC). Bệnh thường gặp nhất khi nuôi cá tai tượng là bệnh xuất huyết chủ yếu do môi trường nước ô nhiễm và do cá bị sốc môi trường, cá bệnh nhiễm bệnh này sẽ ăn yếu, bơi lội lờ đờ, xuất hiện các vết loét đỏ trên cơ thể; nếu bệnh nặng có thể ăn mòn vào cơ, vây và đuôi. Để điều trị có thể dùng các loại kháng sinh thông thường được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (Amoxicillin, Oxytetraxylin…) để trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục 5 - 7 ngày. Ngoài ra, cá còn mắc một số bệnh như lồi mắt, nấm thủy mi, tuột nhớt đuôi,… chủ yếu xảy ra do môi trường nước ao dơ bẩn.
- Thu hoạch: Nếu được cung cấp thức ăn đủ số và chất lượng cùng quản lý môi trường ao nuôi tốt thì sau khi thả nuôi 1- 1,5 năm có thể thu hoạch được cá tai tượng thương phẩm cỡ 0,9 - 1,5 kg. Trong quá trình thu hoạch, nên chặn từng khúc ao dồn cá vào một góc và dùng lưới kéo nhẹ nhàng, tránh gây trầy xước cho cá sẽ tiêu thụ dễ dàng hơn. Nên tiến hành thu hoạch vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để giữ cho cá được khỏe mạnh, hạn chế hao hụt.

1 nhận xét: