19/12/14

Phát triển nghề sản xuất giống và nuôi lươn đồng - Sức lan tỏa từ dự án
Tiểu Mi - CLBKH - Chi cục Thủy sản
Từ dự án Nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo giai đoạn 2011-2011 ở Vĩnh Long do Chi cục Thủy sản tổ cức triển khai thực hiện, đến nay các mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng ngày càng phát triển, được nhân rộng mạnh trong tỉnh Vĩnh Long đến các địa phương lân ccận góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với qui mô nhỏ ở những vùng thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ, ban đầu với diện tích sản xuất giống là 144 m2 với 0,3 triệu con giống và diện tích nuôi lươn đồng thương phẩm có bùn là 960 m2 ở các xã Mỹ Lộc, Mỹ Thạnh Trung – Tam Bình, đến nay đã nâng diện tích sản xuất giống lên 4800 m2 với 1,71 triệu con giống  với tỷ suất lợi nhuận là 45,5- 129,8% ở các xã Tường Lộc, Phú Lộc, Phú Thịnh – Tam Bình, Chánh An, Mỹ An – Mang Thít.. Bên cạnh đó, nghiên cứu “Nuôi lươn đồng thương phẩm không bùn trong bể xi măng” do Câu lạc bộ Khoa học Chi cục Thủy sản thực hiện năm 2013 cũng đã xác định được nuôi thương phẩm trong điều kiện không bùn mang tính khoa học cao theo hướng công nghiệp có kiểm soát chất lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và phù hơp phát triển ở qui mô nông hộ.  Triển khai ứng dụng kết quả của đề tài, diện tích nuôi lươn đồng thương phẩm đã được nhân rộng với diện tích 1300m2 cung cấp hơn 20 tấn lươn thương phẩm với tỷ suất lợi nhuận trung bình 58,5%.
Hiệu quả sản xuất từ lươn đồng đã mang lại lợi nhuận kinh tế tất cao cho nhiều bà con nông dân, vì vậy đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất và nhân rộng với nhiều qui mô khác nhau. Tính đến nay có hơn 16 hộ tham gia sản xuất giống và 50 hộ nuôi thương phẩm lươn đồng. Trong số các hộ sản xuất trên, tiêu biểu là hộ anh Dương Thế Lực ở ấp Tân Mỹ B, Xã Chánh An, huyện Mang Thít. Anh Lực là một thanh niên trẻ với nhiều đam mê và nhiệt huyết muốn phát triển kinh tế từ việc sản xuất lươn đồng. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Trà Vinh với chuyên ngành cử nhân Nuôi trồng thủy sản, ngoài việc tìm tòi, học hỏi kiến thức về lươn đồng qua sách vỡ, anh còn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất lươn giống của Chi cục Thủy sản đầu tư hay chia sẻ kinh nghiệm từ các anh chị cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản. Với bản tính cần cù, siêng năng anh Lực không ngại khó khăn anh hòa mình vào cùng nông dân, cùng làm cùng học hỏi chia sẻ kinh nghiệm của các anh, các chú đi trước. Có được vốn kiến thức và kinh nghiêm về nuôi lươn thương phẩm và sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo, đầu năm 2013 anh chủ động xây 02 bể xi măng (10 m2/bể) nuôi lươn đồng không bùn với mật độ 200 con/m2. Hai tháng đầu anh sử dụng giá thể bằng dây ni –long, khi lươn đạt kích cỡ 10 g/con anh chuyển sang giá thể bằng vĩ tre. Ngoài việc tận dụng nguồn ốc, tép, cua sẵn có tại địa phương anh còn bổ sung nguồn thức ăn viên công nghiệp phối trộn thêm vào khẩu phần ăn cho lươn. Sau thời gian 8 - 10 tháng nuôi anh thu hoạch toàn bộ lươn trong bể với năng suất 40 kg/m2, tỷ lệ sống đạt 60% và tỷ suất lợi nhuận đạt 47%. Sau khi vụ nuôi kết thúc, anh chia sẻ “Nuôi lươn không khó nhưng yếu tố quan trọng là yếu tố chất lượng nước và con giống, nếu đảm bảo cung cấp được nguồn nước tốt, con giống đạt chất lượng thì hiệu quả nuôi rất cao”. Từ suy nghĩ tạo ra đàn giống đạt chất lượng, anh đã hướng tới việc tự sản xuất lươn giống để cung cấp cho nuôi thương phẩm. Vì vậy cuối năm 2013, anh xây dựng thêm 05 bể lót bạt (25m2/bể) và chuẩn bị nuôi vỗ lươn bố mẹ phục vụ cho việc sản xuất giống. Tính đến tháng 10/2014, anh Lực đã cung cấp hơn 50 ngàn lươn giống, một mặt anh sử dụng con giống này nuôi thương phẩm chuẩn bị lươn bố mẹ hậu bị, ngoài ra anh còn cung cấp giống cho các hộ nuôi lươn trong và ngoài tỉnh. Với giá trung bình 3000 đồng/con lươn giống, sau khi trừ chi phí (nguyên vật liệu, giống, thức ăn) anh thu được hơn 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, tháng 12/2014 anh quyết định nhân rộng thêm mô hình sản xuất giống, anh đầu tư thêm 20 bể lót bạt (25m2/bể) nuôi vỗ lươn bố mẹ để phục vụ cho sản xuất  giống lươn năm 2015. Với kinh nghiệm sản xuất đúc kết được trong năm qua, con đường đi đến thành công với nghề sản xuất lươn giống đang đến gần với anh Lực trong năm 2015 tới. Trước đây thu nhập kinh tế gia đình anh Lực chủ yếu dựa vào nguồn thu từ việc canh tác rau màu, nhưng do sự thay đổi thất thường của thời tiết nên năng suất rau màu rất bấp bênh và không ổn định. Giờ đây gia đình anh rất phấn khởi khi lợi nhuận mang lại từ việc sản xuất lươn đồng rất cao. Cha của anh Lực chia sẻ “Chúng tôi có sự khởi đầu sản xuất lươn đồng rất tốt, gia đình chúng tôi quyết tâm sẽ phát triển kinh tế và nhân rộng đối tượng này để tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống”. Mặc dù, trong những ngày đầu sản xuất, do còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như phương pháp tiếp cận nên đôi lúc anh Lực còn gặp nhiều trở ngại trong khâu phòng và và trị bệnh trên đối tượng này. Tuy nhiên, do tính chịu khó và ham học hỏi cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản giờ đây anh sẵn sàng tham gia sản xuất với qui mô nhân rộng của mình, và tự tin chia sẻ kinh nghiệm của mình cùng với bà con ở các địa phương lân cận. Anh Lực chia sẻ “Chỉ cần hiểu được đặc tính của con lươn và cẩn thận trong khâu chăm sóc, quản lý thì hiệu quả sản xuất sẽ rất cao”.  
Hiện nay, ở các địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều hộ nông dân sản xuất điển hình giỏi, dựa vào mô hình sản xuất lươn mang lại tỷ suất lợi nhuận tất cao dao động từ 30 – 87% như anh Nguyễn Minh Đời ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, khởi đầu chỉ từ 1 mô hình (24m2) từ dự án đến nay với diện tích 300 m2 anh sản xuất được 200 ngàn con giống trong niên vụ 2013, sau khi trừ chi phí anh thu thu được lợi nhuận hơn 400 triệu đồng đạt tỷ suất lợi nhuận 71,43%; hộ anh Lê Văn Thảo ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình với diện tích 330 m2 anh sản xuất được 120 ngàn con giống, mang về cho anh lợị nhuận hơn 200 triệu đồng; anh Lê Trung Bảo ấp Phú, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình với diện tích 200 m2 anh cung cấp 150 ngàn con giống với lợi nhuận hơn 250 triệu đồng; hộ chị Nguyễn Thị Thủy xã Tân Hội, huyện Mang Thít với diện tích 300 m2 chị cung cấp 200 ngàn con lươn giống cũng mang lại lợi nhuận cho chị hơn 300 triệu đồng...vv. Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều hộ gia đình sản xuât lươn giống với qui mô từ 24 – 48 m2 cũng cung cấp từ 30 – 50 ngàn con lươn giống/hộ đạt lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Chỉ từ sau 1 – 2 vụ sản xuất giống lươn giờ đây cuộc sống các nông hộ trên trở nên sung túc với những mái nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn với nét mặt rạng ngời và phấn khởi, nếu ai có chứng kiến tận mắt mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc của chúng tôi – những cán bộ kỹ thuật thủy sản của đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

“Diện tích nhỏ, hiệu quả lớn” của các mô hình sản xuất từ dự án mang tính đột phá trên đã hình thành và phát triển nghề sản xuất lươn giống bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội để hình thành làng nghề đáp ứng nhu cầu giống cho nghề nuôi lươn thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Kết quả ấy đã chứng tỏ sức lan tỏa của dự án và đã đạt mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho nông dân trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, góp sức cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

1 nhận xét: