19/11/17

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI CÁ LĂNG NHA THƯƠNG PHẨM TRONG LỒNG/BÈ
TS. Phạm Thị Thu Hồng – Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long

Với chủ trương đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản trên lồng bè để gia tăng hiệu quả sản xuất thì cá lăng nha (Mystus wyckiioides) là đối tượng nên lựa chọn bởi đây là loài cá nước ngọt, có chất lượng thịt thơm ngon, thịt trắng chắc, không xương dăm, có giá trị thương phẩm cao được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên nhưng những năm qua, với phương thức khai thác mang tính hủy diệt đã làm suy giảm đáng kể lượng cá lăng nha tại các sông suối. Để phát triển loài cá quý này, thời gian qua, Khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TP. HCM đã nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công các giống cá lăng quý hiếm và sản xuất hàng loạt cá giống cung cấp cho người dân. Công nghệ này cũng được chuyển giao cho nhiều địa phương sản xuất cá giống thành công, để nuôi thành cá lăng thương phẩm hiệu quả cao.
Phổ biến là cá lăng nha đuôi đỏ, được nuôi theo hai hình thức thâm canh trong ao đất hoặc nuôi trong lồng/bè. Hiện nay ở Vĩnh Long được nuôi chủ yếu trong lồng bè, những thông tin và biện pháp kỹ thuật sau đây sẽ giúp người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất:

1. Một số đặc điểm sinh học
Cá lăng nha sinh sống chủ yếu ở các con sông và nhánh sông lớn thuộc lưu vực sông Mê Kông. Cá thích sống ở tầng đáy, có khả năng sống và phát triển tốt trong các thủy vực nước ngọt và nước lợ có nồng độ muối thấp của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL với ngưỡng giới hạn các yếu tố thủy lý hóa như sau: nhiệt độ từ 24 – 340C (tốt nhất 28 – 320C); độ pH từ 6 – 8 (tốt nhất 6,5 – 7,5), hàm lượng Oxy hòa tan (DO) ≥ 3mg/l; độ mặn từ 0 – 7%0; hàm lượng NH3 < 0,01mg/l.
Tuy là loài cá dữ có tập tính ăn động vật, thức ăn của cá chủ yếu là các loài cá con, tôm, tép, cua, nhuyễn thể, ấu trùng côn trùng, giáp xác và mùn bã hữu cơ nhưng trong điều kiện nuôi thương phẩm, cá hoàn toàn có khả năng ăn thức ăn dạng viên nổi có hàm lượng đạm cao và cá phát triển theo sự gia tăng về hàm lượng protein trong thức ăn,. Thường nuôi lồng/bè cá sẽ nhanh lớn hơn, năm đầu tiên cá đạt trọng lượng 1- 1,3 kg/con, đặc biệt cá lớn nhanh vào năm thứ hai đạt 2,5 - 3kg/con, tùy nhu cầu tiêu thụ của thị trường để quyết định thời gian nuôi.
2. Chuẩn bị điều kiện lồng/ bè nuôi: Tuỳ theo khả năng kinh tế của mỗi người mà có thể làm lồng có kích thước to hoặc nhỏ khác nhau, nên có thể tích từ 10m3 trở lên, đặt ở nơi có dòng chảy vừa phải, không quá mạnh, ít sóng gió, thuận lợi trong việc vận chuyển cá, thức ăn, đảm bảo mực nước trong bè luôn từ 2m trở lên, tuyệt đối tránh xa nguồn nước thải sinh hoạt và các nhà nhà máy công nghiệp, tốt nhất là sản xuất nơi đã được qui hoạch nuôi lồng/bè của tỉnh để hạn chế rủi ro từ khách quan.
Lồng/bè cần có mái che để che mát cho cá. Dùng bó tre hoặc thùng phuy làm phao để giảm độ chao lắc của bè, phía dưới của bè cần đổ một lớp đất sét mềm khoảng 10-15 cm để cho cá chui rúc khi động, đất sét được khử trùng bằng vôi và muối, liều lượng là 10kg đất trộn với 100-150gr muối và 50-100gr vôi bột.
Việc chuẩn bị lồng/ bè có ý nghĩa quyết định đến kết quả nuôi. Do hiệu quả điều trị động vật thủy sản nuôi thường không cao nên phòng bệnh trước khi thả nuôi là biện pháp kỹ thuật tối ưu nhất. Nếu dọn tẩy lồng/ bè tốt thì mầm bệnh khó có cơ hội phát triển.. Dùng BKC hoặc hóa chất sát khuẩn phun vào bè để diệt mầm bệnh đồng thời kiểm tra, gia cố dây neo, chằng chống lồng/bè thật kỹ trước khi thả cá. 
3.Thả cá giống: phải chọn giống cá được sinh sản nhân tạo nơi cơ sở có uy tín và chứng nhận kiểm dịch với tiêu chuẩn: cá không mất nhớt, đuôi và râu không bạc màu; cỡ đồng đều, cá bơi lội khỏe, cỡ cá thả khoảng 5-7cm, trọng lượng 30 con/kg. Mật độ nuôi: 60-70 con/m3.Thời gian thả tốt nhất vào buổi sáng (6 - 9giờ) hoặc chiếu mát ( 17- 18h).
Phòng bệnh cho cá bằng cách sát trùng (tắm cá) trước khi thả xuống lồng/bè bằng muối ăn (1 muỗng canh pha trong 1 lít nước) hoặc BKC… theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Quản lý và chăm sóc
Cho ăn: có thể cho cá ăn bằng một trong các loại sau: cá tạp, cắt khúc vừa cỡ miệng (lúc lớn) Thức ăn tự chế 50% cám + 50% cá tạp xay nhỏ, ép thành viên cho cá ăn. Thức ăn viên độ đạm ít nhất 35%. Cần làm sàn ăn cho cá, cách làm này sẽ quản lý được lượng thức ăn và nắm được sức tăng trọng của cá. Liều lượng thức ăn cho ăn hằng ngày bằng 5-7% trọng lượng cơ thể cá với tần suất 3 lần/ngày (sáng, chiều và tối). Do cá có tập tính chui rúc và thích sống nơi ít ánh sáng nên cho ăn cữ tối chiếm 40-50% tổng lượng thức ăn trong ngày. Trong quá trình cho ăn cần quan sát lượng mồi thừa thiếu trong sàn mà điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho mỗi ngày. Cần đưa ra khỏi bè cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá. Trong giai đoạn chuyển mùa, khoảng tháng 10, 11 nên bổ sung thêm các hoạt chất và chế phẩm vi sinh vào thức ăn để giúp cá tăng sức đề kháng, tiêu hoá tốt, lớn nhanh hơn như Vitamin C (liều lượng 5mg/100 kg cá); thường xuyên dùng Premix khoáng, men tiêu hoá (1g/kg thức ăn); các sản phẩm chứa axít amin, sorbitol (Hepatofish 2,5g/kg thức ăn); khoáng vi lượng (liều lượng 1 - 2g/kg thức ăn).
Quản lý: Thường xuyên theo dõi hoạt động bắt mồi của cá, nhất là vào lúc nước đứng, nước đổ để xử lý kịp thời, Thường xuyên kiểm tra, gia cố bè thật chắc trước và sau khi thả cá đồng thời định kỳ vệ sinh cây cỏ thủy sinh bám lồng bè đảm bảo lưu thông nước trong và ngoài lồng.
4. Phòng và trị bệnh: Dùng BKC hoặc các hóa chất sát khuẩn khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất phun vào bè để diệt mầm bệnh. Trước khi thả cá cần tắm cho cá bằng dung dịch muối ăn 2-3%o. Định kỳ treo các túi vôi ở đầu bè, khoảng 15-20 ngày phun khử trùng bè một lần bằng BKC (phun trực tiếp xuống bè).
Các bệnh thường gặp trên cá lăng nuôi là (1) Bệnh nấm thủy mi: Cá bị bệnh bơi lội không bình thường do cơ thể bị ngứa nên cá cọ sát vào các vật thể trong nước làm xây xát lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm có cơ hội phát triển khiến bệnh nặng hơn. Bệnh này, cần sử dụng hóa chất khử trùng nước, kết hợp với trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn để điều trị bệnh; (2) Bệnh xuất huyết: tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas hydrophila với dấu hiệu bệnh lý là cá hoạt động kém linh hoạt, xuất hiện vết loét và bị xuất huyết khắp cơ thể, sử dụng kháng sinh Doxycyline theo hướng dẫn của nhà sản xuất để điều trị bệnh xuất huyết trên cá lăng sẽ cho hiệu quả cao; (3) Bệnh viêm ruột: Cá bị bệnh viêm ruột bụng trương to, có ban đỏ, hậu môn lồi và sưng đỏ. Khi bệnh nặng, vây cá bị tổn thương, xoang bụng tích nước, thành ruột bị tụ máu. Toàn bộ ruột có màu đỏ thâm, ruột không có thức ăn, xuất hiện dịch mủ màu vàng nhạt. Để phòng trị bệnh này, cần đảm bảo thức ăn tươi, không bị ôi thiu, thường xuyên vệ sinh sàng ăn và thức ăn thừa sạch sẽ. Định kỳ dùng men tiêu hóa, khi cá bị bệnh dùng vôi bột hoặc hóa chất xử lý nước trong lồng/bè.
Cá lăng nha là nguyên liệu chế biến món chả cá Lã Vọng ở Hà Nội - “tuyệt phẩm” tiến vua xưa kia đến nay vẫn nổi tiếng là đặc sản ẩm thực thủ đô và nhiều món ăn hấp dẫn khác trong thực đơn các nhà hàng, tiệm ăn đáp ứng nhu cầu thị hiếu thực khách khắp mọi miền cả nước. Hiện nay cá lăng nha thương phẩm có giá từ 120.000-150.000 đ/kg nếu làm tốt hoạt động thông tin, quảng bá và tổ chức phát triển nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất thì đây sẽ là đối tượng đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất của ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung./.
Hình: cá lăng nha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét