15/8/17

KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ HÔ TRONG AO ĐẤT
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - Chi cục Thủy sản
            Cá hô (Catlocarpio siamensis) thuộc họ cá chép Cyprinidae có phân bố chủ yếu ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Đây là một trong các loài cá nước ngọt có kích thước rất lớn, ngư dân thường bắt được những cá thể có trọng lượng từ 80 - 150 kg. Thịt cá ngon và có giá trị thương phẩm cao nên bị khai thác quá mức, không kiểm soát được do đó trong tự nhiên các cá thể cỡ lớn ngày càng ít gặp và đây là loài được xếp vào nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước đây, cá hô chủ yếu được nuôi ghép trong ao với một số loài cá khác như: cá tra, mè vinh, cá chép, rô phi… Nguồn giống chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên nên số lượng giống còn rất ít, tỷ lệ thả ghép thấp nên cá tăng trưởng rất nhanh, một năm có thể đạt từ 2 - 3 kg/con. Hiện nay, việc cho sinh sản nhân tạo cá hô đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công. Sản lượng cá hô giống hàng năm đáp ứng được nhu cầu con giống để nuôi thương phẩm, góp phần làm phong phú cơ cấu giống loài, tăng thêm nguồn thực phẩm thủy sản quý đáp ứng nhu cầu cho xã hội. Cá hô là một trong những loài thủy sản nước ngọt mới có tiềm năng phát triển và có thể nuôi trong các loại hình mặt nước như ao, bè, đăng quầng, hồ chứa… tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là mô hình nuôi trong ao đất.
1. Thiết kế ao nuôi: Ao nuôi nên có dạng hình chữ nhật để dễ thay nước, chăm sóc và quản lý. Có thể tận dụng các ao nuôi sẵn có để nuôi cá hô nhưng diện tích ao tối thiểu nên từ 1.000 m2 trở lên do những năm về sau cá phát triển rất nhanh và cần không gian rộng để tăng trưởng. Độ sâu mực nước của ao từ 2,5 - 3,0 m và đáy ao phẳng, có độ nghiêng dần về nơi tháo nước. Ao phải có cống cấp thoát nước và được chắn lưới chắc chắn để cá không thoát ra ngoài và địch hại không lọt vào ao. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ và cao hơn mực nước lũ cao nhất từ 0,5 m trở lên.     
2. Chuẩn bị ao nuôi: Ao nuôi phải được bơm tát cạn, vét bùn và tu sửa bờ ao, lấp các hang mọi; đối với ao cá tra cải tạo có lớp bùn rất dày, cần phải hút bớt chỉ chừa lại lớp bùn khoảng 20 cm. Bón vôi đáy ao với liều lượng từ 7 - 10 kg/100 m2 đối với ao nuôi lâu năm và từ 10 - 15 kg/100 m2 đối với ao mới đào, sau đó phơi ao trong 2 - 3 ngày. Trước khi thả giống 3 - 5 ngày thì tiến hành lấy nước vào ao nuôi. Khi lấy vào ao cần sử dụng vải mịn hoặc lưới mùng quấn nhiều lớp để hạn chế trứng của các loài cá tạp vào ao sẽ gây hao tốn thức ăn. Có thể bón phân gây màu nước trước khi thả cá: sử dụng phân chuồng ủ hoai với liều lượng 20 - 30 kg/100 m2 hoặc phân DAP + Ure với liều lượng 1 kg/1.000 m2 (tỷ lệ 1:1) để hạn chế tảo đáy phát triển và ổn định môi trường nước nuôi.
3. Thả giống: (1)  Lựa chọn con giống: Cá hô giống thả nuôi là con giống sinh sản nhân tạo và có kích cỡ đồng đều, trọng lượng từ 5 - 10 gram/con, nếu cỡ cá giống càng lớn thì tỷ lệ sống càng cao.Cá giống khoẻ mạnh không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, bơi lội theo đàn, phản xạ nhanh với tiếng động. Khi vớt lên, cá quẫy lộn lung tung, toàn thân trơn bóng, không rách vây, không tróc vảy, không khô mình, không mất nhớt; (2) Mật độ thả giống: Tùy theo kích cỡ con giống, hình thức nuôi và thời điểm thu hoạch mà quyết định thả nuôi với các mật độ khác nhau. Thông thường, đối với hình thức nuôi đơn thì mật độ thả nuôi thích hợp là 1 - 2 con/m2 (cá giống cỡ 5 - 10 gram/con) cho năm đầu tiên và san thưa dần 0,2 - 0,5 con/m2. Lưu ý, nếu muốn nuôi cá lớn (> 10 kg) thì cần phải san thưa mật độ hơn nữa để cá có đủ không gian sinh trưởng. Do thời gian nuôi cá rất lâu (từ 2 - 4 năm trở lên) để thành cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao, nên phải điều chỉnh dần mật độ theo thời gian và theo kích cỡ của cá; (3) Thả giống: Nên thả giống lúc sáng sớm hay chiều mát để tránh gây sốc cho cá. Trước khi thả cần ngâm bao chứa cá giống trong nước ao nuôi từ 20 - 30 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao cá tương đối cân bằng thì mở miệng bao cho nước bên ngoài vào trong bao, sau đó hạ từ từ cho cá bơi ra ngoài.
4. Thức ăn và cách cho ăn: (1) Thức ăn: Có thể sử dụng thức ăn viên công nghiệp để nuôi cá hô thương phẩm. Giai đoạn cá còn nhỏ (3 tháng đầu) thì sử dụng thức ăn đạm cao (30 - 35%) và giảm dần hàm lượng đạm (26 - 30%) khi cá lớn hơn. Sử dụng thức ăn viên thì rất thuận lợi, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong ao nuôi, dễ chủ động đặc biệt rất thích hợp cho giai đoạn cá còn nhỏ. Tuy nhiên, cá hô là loài ăn tạp thiên về thực vật; do đó, bên cạnh việc sử dụng thức ăn viên công nghiệp thì có thể bổ sung thêm thức ăn có nguồn gốc thực vật để giúp cá tăng trọng nhanh hơn. Thức ăn bổ sung bao gồm rong bèo, rau muống, đọt rau lang, lục bình, tấm cám, các phụ phế phẩm hàng ngày… Trước khi cho ăn phải rửa sạch các loại thức ăn xanh này, đảm bảo rau không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và băm nhỏ cho vừa cỡ miệng cá; (2)  Cách cho ăn: Tùy theo giai đoạn phát triển của cá nuôi mà lượng thức ăn thay đổi. Từ khi thả nuôi đến tháng thứ 3, lượng thức ăn viên công nghiệp sử dụng hàng ngày là 8 - 10% trọng lượng thân. Giai đoạn đầu, khi cá cỡ nhỏ chưa quen với tập tính ăn thức ăn nổi, cho nên phải sử dụng thức ăn chìm cho cá ăn (thức ăn mảnh, mè, miếng hay thức ăn tôm) và sau đó tập cho cá ăn thức ăn viên nổi dần dần. Bắt đầu từ tháng 4 - 6, lượng thức ăn viên công nghiệp sử dụng hàng ngày khoảng 5% trọng lượng thân, cá càng lớn thì tỷ lệ cho ăn càng giảm (dao động từ 3 - 5% trọng lượng thân). Quan sát khả năng bắt mồi của cá để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần lưu ý, cá hô thường lên mặt nước bắt mồi vào buổi tối, do đó nên cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp vào buổi chiều tối, ban ngày thì bổ sung các loại thức ăn nguồn gốc thực vật để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.
5. Phòng trị bệnh: Cá hô rất ít gặp dịch bệnh nếu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
            - Kiểm tra nền đáy ao bắt đầu từ tháng thứ 3 do cá hô sống chủ yếu ở tầng đáy, ít nổi lên mặt nước. Định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý, cải tạo môi trường để xử lý đáy ao tránh ô nhiễm đáy ao do chất thải của cá hay thức ăn thừa tích tụ.
            - Tránh gây sốc cho cá: nếu chênh lệch nhiệt độ không khí giữa ngày và đêm lớn sẽ làm nhiệt độ nước cũng biến động theo làm cho cá dễ bị stress, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công cá nuôi. Cần phải đảm bảo giữ mực nước trong ao nuôi tối thiểu là 2 m để nhiệt độ luôn ổn định.
            - Tăng cường khả năng đề kháng: định kỳ 2 - 3 ngày/lần trộn Vitamin C, premix khoáng vào thức ăn cho cá hay sử dụng những cây thuốc nam sẵn có tại chỗ để phòng bệnh cho cá như: củ tỏi, lá giác, lá xoan, cỏ mực...
            - Quản lý tốt chất lượng nước ao: theo dõi và điều chỉnh các các thông số kỹ thuật luôn trong khoảng thích hợp (pH từ 7 - 8,5, màu  nước ao nuôi cá có màu xanh vỏ đậu hoặc xanh lá chuối non, oxy hòa tan > 2 mg/l, nhiệt độ nước từ 28 - 30oC). Định kỳ thay nước ao nuôi 2 lần/tháng, mỗi lần thay từ 20 - 30% lượng nước trong ao.
            - Khi cá có hiện tượng khác thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân để xử lý, tạm thời giảm, hoặc ngưng cho ăn nếu trường hợp cá bị bệnh nặng         
            - Nếu phát hiện cá bệnh thì có thể sử dụng thuốc trị bệnh dành cho cá có vẩy thông thường được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
6. Thu hoạch: Cá hô lớn nhanh từ năm nuôi thứ hai, sau mỗi năm cá có thể tăng trọng 2 - 3 kg. Tùy theo điều kiện nông hộ mà quyết định thời điểm thu hoạch vì nuôi đến khi cá đạt trên 10 kg thì càng được giá hơn. Khi thu hoạch cần lưu ý cá hô rất nhạy cảm, khi có động trong ao cá thường chúi xuống bùn, bụi cỏ nên bị ngộp chết. Do đó, lúc kéo lưới phải thực hiện nhanh gọn, nhẹ nhàng và đưa cá sang ao khác để rộng lại khi không bán hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét