19/3/13

HIỆP HỘI CÁ TRA VIỆT NAM RA ĐỜI –
KHỞI ĐẦU TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT NGÀNH HÀNG
ThS. Phạm Thị Thu Hồng – HHTS Vĩnh Long
Sự cần thiết được thành lập
     Cá tra là đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua 12 năm (2000-2011), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200ha lên 6.000ha; sản lượng từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn; thành phẩm xuất khẩu (XK) từ 17.000 tấn lên 660.000 tấn, và giá trị XK từ 40 triệu USD lên 1.800 triệu USD, chiếm 34,4% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước. Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng, đến nay đã có 142 Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam. Trong năm 2012, mặc dù gặp rất  nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khó khăn từ các rào cản kỹ thuật, thương mại của thị trường nhập khẩu, ĐBSCL vẫn giữ vững tổng diện tích nuôi đạt 5.910ha, sản lượng đạt 1.285.500 tấn; với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt  1,744 tỷ USD (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2011).
Tuy nhiên, do tốc độ phát triển quá nóng, ngành hàng chậm hoặc không tuân thủ qui hoạch ở một số địa phương; nhiều bất cập trong công tác quản lý các yếu tố đầu vào và thu mua, chế biến tiêu thụ; tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém chưa tương đồng với hình thức và qui mô sản xuất; chưa có mối liên kết thật sự giữa sản xuất và tiêu thụ; công tác xúc tiến thương mại và giữ thị trường hiệu quả không cao; vai trò của tổ chức hội nghề cá trong chuỗi sản xuất còn chưa được thể hiện rõ ràng nên trong những năm gần đây việc sản xuất tiêu thụ cá tra gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người nuôi bị thua lỗ kéo dài, nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gia tăng… .
Mặt khác, Việt Nam gia nhập WTO tuy có mở nhiều ra nhiều cơ hội phát triển song cũng có rất nhiều khó khăn thách thức nhất là trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của ngành thuỷ sản còn yếu, trình độ quản lý còn yếu kém, trong khi các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thường xuyên thay đổi và ngày càng đòi hỏi khắt khe; sự hiểu biết của các doanh nghiệp về luật pháp quốc tế còn nhiều hạn chế đặc biệt là trong lĩnh vực tranh chấp thương mại, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, không có chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần làm thiệt hại đến lợi ích của quốc gia. Vì vậy, việc hình thành một tổ chức giữ vai trò tư vấn, định hướng và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trên thương trường quốc tế, cần một tổ chức cộng đồng nhằm từng bước đưa ngành hàng cá tra vào sự quản lý toàn diện, phát triển một cách vững chắc, hiệu quả và ổn định là rất cần thiết. 
Sau gần 4 năm  chuẩn bị, vì nhiều lý do khác nhau mãi đến ngày 03/01/2013  Ban vận động thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam mới được nhận Quyết định số 03/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập. Và được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra đã tiến hành tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013-2015) tại thành phố Long Xuyên (An Giang) vào ngày 01 và 02 tháng 3 năm 2013 với sự tham dự của 105 đại biểu chính thức trong tổng số 143 đại biểu được triệu tập. Đại hội đã bầu 47 thành viên vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2013 - 2015 và bầu ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam làm Chủ tịch Hiệp hội.
 Phương hướng nhiệm vụ  chính của nhiệm kỳ đầu tiên
Hiệp hội cá tra Việt Nam được xác định là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân là hộ nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các nhà quản lý, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và các người làm dịch vụ đáp ứng yêu cầu nuôi cá tra; tự nguyện tham gia, không vụ lợi nhằm mục đích phối hợp cam kết thực hiện có hiệu quả các hoạt động về sản xuất và tiêu thụ cá tra bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, góp phần phát triển ổn định, bền vững; đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu cá tra trên thị trường thế giới theo chủ trương chính sách của Nhà nước. Trong bối cảnh ngành hàng có quá nhiều tồn tại, vô vàn khó khăn nên trong nhiệm kỳ đầu, Hiệp hội sẽ tập trung:
- Tổ chức lại sản xuất ngành hàng theo giá trị chuỗi, vận động hội viên phấn đấu sản xuất  và xuất khẩu cá tra đạt chỉ tiêu hàng năm của Bộ NN& PTNT theo hướng ổn định sản lượng, tăng giá trị sản xuất với mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu và tăng tỉ trọng sản phẩm giá trị gia tăng nhằm khẳng định uy tín sản phẩm ; Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam nhẳm nâng lợi thế cạnh tranh của ngành hàng trên thị trường thế giới.
- Xây dựng liên kết thật sự và hài hòa lợi ích giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất của ngành hàng cá tra với việc hình thành các mô hình mẫu hoạt động hiệu quả;
- Nghiên cứu đề xuất và kiến nghị với các cơ quan chức năng, với Chính phủ về những chính sách liên quan đến ngành nhằm thúc đẩy ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng phát triển ổn định và bền vững.
- Tăng cường vai trò phản biện xã hội trong quá trình xây dựng những chính sách quan trọng có tác động đến ngành hàng và hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chuỗi giá trị cá Tra Việt Nam đặc biệt là Nghị định quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra sắp được ban hành.
- Thiết lập cổng thông tin thị trường xuất khẩu cá tra nhằm cung cấp thông tin thiết yếu cho hội viên để có những chiến lược phát triển đúng, cân bằng được nhu cầu cung cầu đối với sản phẩm cá tra để nâng giá trị xuất khẩu;
- Phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn; tranh thủ sự tài trợ, đồng thời tích cực quan hệ Viện, Trường tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, Hội viên và tham gia phối hợp tốt trong công tác nghiên cứu ứng dụng Khoa học- Công nghệ.
- Về công tác tổ chức, trong năm đầu thành lập, tập trung các nhiệm vụ chính như sau:
+ Hoàn chỉnh các Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Văn phòng Hiệp hội, Quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội và một số Quy chế phối hợp với các ngành liên quan: Ngân hàng, Hải Quan, Thống kê,…;
+ Phân công, phân nhiệm các Ủy viên trong Ban chấp hành phụ trách các Ban chuyên môn dựa trên chức năng và nhiệm vụ đã được đề cập trong Điều lệ;
+ Tổ chức bộ máy Văn phòng Hiệp hội có đủ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động của Hiệp hội;
+ Thành lập các Ban chuyên môn: Ban Điều hành sản xuất, chế biến và xuất khẩu; Ban Đối ngoại và Xúc tiến thương mại;  Ban Pháp chế và phát triển hội viên; Ban Xây dựng, quản lý chất lượng và thương hiệu….
Hiệp hội cá tra Việt Nam ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các địa phương, giữa doanh nghiệp với người nuôi và giữa các doanh nghiệp với nhau để nâng cao vị thế của cá tra trên trường quốc tế bằng chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích các thành phần tham gia sản xuất trong chuỗi giá trị cá tra. Sự ra đời của một tổ  chức tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người sản xuất cá tra là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ngành hàng cá tra- sản phẩm chủ lực của quốc gia, mở ra nhiều điều kiện cùng tham gia với Nhà nước trong quản lý điều hành sản xuất và xuất  khẩu cá tra nhằm đưa ngành hàng phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới. Điều ấy chỉ có thể trở thành hiện thực khi mọi người tham gia sản xuất trong chuỗi ngành hàng cùng đặt lợi ích quốc gia, cộng đồng lên trên hết với cái “TÂM” và cả “TẦM” khi làm nghề!
Ảnh: Ban chấp hành Hiệp hội cá tra Việt Nam nhiệm kỳ 2013 -2015 ra mắt Đại hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét