14/4/15

KỸ THUẬT NUÔI RẮN RI VOI
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - CLBKH Chi cục Thủy sản
Rắn ri voi (rắn ri tượng) là đối tượng thủy đặc sản đang rất được ưa chuộng do thịt dai, ngon, ít chất béo, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Trước đây, rắn ri voi có khá nhiều ở các thủy vực nước ngọt ở miền Nam, tuy nhiên do quá trình canh tác nông nghiệp làm thu hẹp môi trường sống và sự khai thác quá mức nên hiện nay số lượng rắn còn ngoài tự nhiên rất ít. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhiều hộ dân đã phát triển mô hình nuôi rắn ri voi thương phẩm với nhiều hình thức nuôi khác nhau. Rắn ri voi tương đối dễ nuôi, thức ăn dễ tìm, không tốn nhiều công chăm sóc, giá trị kinh tế khá cao và có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước do đó các mô hình nuôi đối tượng này đang phát triển nhanh chóng. Việc phát triển nghề nuôi rắn ri voi để bán rắn thịt và con giống đang đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ ở ĐBSCL, trong đó có xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Đây là mô hình thích hợp với các hộ gia đình ở nông thôn vì có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi nuôi thêm rắn để cải thiện cuộc sống và hiện địa phương đã có hàng trăm hộ thoát nghèo nhờ mô hình này.
1.      Một số đặc điểm sinh học của rắn ri voi:
Rắn ri voi phân bố chủ yếu ở các thủy vực vùng nhiệt đới, là loài có kích thước tương đối lớn trong nhóm rắn nước, có thể đạt đến 7 – 8 kg/con. Đây loài động vật hoang dã, tuy không có nọc độc nhưng rắn rất hung hãn và phản xạ rất nhanh khi phát hiện con mồi hoặc gặp kẻ thù. Rắn ri voi có thể tấn công và ăn những con mồi có kích thước lớn hơn cơ thể chúng do xương hàm có thể mở rộng và co giãn để nuốt con mồi. Rắn có tập tính hoạt động về đêm, do đó lúc chiều tối rắn thường bò ra kiếm ăn. Thức ăn của rắn ri voi là các loài cá da trơn, ếch nhái, nòng nọc…; rắn ăn mạnh nhất là vào mùa hè và mùa thu, khi tiết trời lạnh thì rắn ăn rất ít thậm chí là bỏ ăn nếu nhiệt độ xuống dưới 20oC. Quá trình sinh trưởng của  rắn gắn liền với các chu kỳ lột xác, khi còn nhỏ rắn lột xác định kỳ khoảng 1 tháng/lần, rắn lớn khoảng từ 2 năm tuổi thì chu kỳ lột xác kéo dài hơn khoảng 35 – 45 ngày/lần. Rắn ri voi bố mẹ bắt cặp vào khoảng tháng 7 – 8 âm lịch và sinh sản vào tháng 4 – 6 âm lịch năm sau, rắn mẹ lần đầu sinh sản được khoảng 10 – 15 con, rắn càng lớn thì số lượng con càng nhiều.
2. Kỹ thuật nuôi rắn ri voi thương phẩm:
- Lựa chọn mô hình nuôi: có thể nuôi rắn ri voi trong ao đất, bể xi măng, vèo, lu khạp… tùy theo điều kiện từng hộ tuy nhiên phải nắm vững nguyên tắc đề phòng rắn bò đi.
+ Ao đất: ao nuôi diện tích từ 50 m2 trở lên và phải được sên vét bùn sình, dọn bỏ cây cỏ thối mục, lấp hang hốc và cống bộng phải được bịt lưới thật kín. Mức nước trong ao khoảng 0,6 – 0,8 m và xung quanh ao tấn tôn xi măng cao khỏi mặt nước 1 m để phòng rắn bò đi. Trong ao trồng thêm rau muống, lục bình, bèo… chiếm 3/4 diện tích ao để giữ mát cho ao và tạo thêm nơi nghỉ ngơi cho rắn nuôi. Trong ao nên thả các bè tre, bè chuối phía trên có lá chuối khô chất đống để rắn rúc vào trú ngụ sau khi ăn.
+ Bể xi măng: bể được trát xi măng xung quanh và nên xây âm xuống đất để tiện chăm sóc, diện tích có thể từ 10 – 20 m2, trong bể bố trí lớp đất thịt dầy khoảng 20 cm và cũng trồng các các loại cây thủy sinh chiếm 1/2 diện tích bể. Mức nước trong bể cao khoảng 20 – 30 cm, dùng lá chuối khô chất thành đống cao hơn mực nước trong bể 30 – 40 cm để làm nơi trú ngụ cho rắn. Thành bể cũng phải xây cao hơn mực nước trong bể 1 m để phòng rắn bò đi.
+ Vèo: có thể đặt các vèo nylon kích thước 2x3 m trong ao nước sạch để nuôi rắn, vèo nằm ngập trong nước ít nhất 0,5 m và phải có nắp đậy phòng rắn thoát ra. Trong vèo cũng trồng các cây thủy sinh để làm nơi trú ẩn cho rắn.
+ Lu, khạp, thùng nhựa: rắn có thể nuôi trong lu, khạp, thùng nhựa với mực nước khoảng 20 – 30 cm, phía trên nắp đậy có khoét lỗ thông khí hoặc bịt bằng lưới để phòng rắn bò đi.    
- Con giống: rắn ri voi giống có thể bắt từ tự nhiên hoặc mua từ các cơ sở nuôi rắn khác. Rắn con mới nở khoảng 50 con/kg cần được chăm sóc riêng với mật độ 30 – 40 con/m2 và cho ăn nòng nọc, cá trê con, nhái con… cho cứng cáp đến khi đạt trọng lượng khoảng 100 gram/con trở lên thì cho vào bể nuôi thương phẩm. Rắn giống thả nuôi phải có kích cỡ đều nhau, không trầy xước, thương tích hay gãy xương sống để rắn lớn đều trong quá trình nuôi. Mật độ thả nuôi khoảng 5 – 10 con/m2. Để có thể chủ động nguồn con giống, nên vỗ béo và chọn lựa những con rắn khỏe mạnh trong đàn lưu giữ làm rắn bố mẹ cho những vụ sau.
- Thức ăn: thức ăn cho rắn ri voi phải là thức ăn tươi sống, không ôi thiu như ếch nhái, lươn con, trùng, các loài cá da trơn. Rắn cũng có thể ăn các loài cá có vẩy nhưng phải được tập luyện cho quen dần. Đối với các loài cá chốt, cá trê… khi dùng làm thức ăn cho rắn, cần phải được cắt bỏ các ngạnh, gai cứng để không làm trầy xước cơ quan tiêu hóa của rắn. Lượng thức ăn tươi sống cho ăn hàng ngày khoảng 3 – 5% trọng lượng thân, tùy theo tình hình bắt mồi của rắn mà điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế thức ăn dư thừa còn lại trong hệ thống nuôi. Trong ao/bể có thể thả thêm các loài cá trê, cá rô phi, nhái… để làm mồi chủ động cho rắn nuôi. Cần lưu ý kích cỡ thức ăn phải phù hợp và phải được rãi đều khắp ao nuôi để hạn chế rắn đánh nhau do cạnh tranh mồi, gây thương tích.   
            - Chăm sóc và quản lý: cần phải cung cấp thức ăn đầy đủ vì khi thiếu mồi, rắn có thể ăn thịt lẫn nhau làm cả hai con cùng chết dẫn đến hao hụt lớn. Thức ăn dư thừa phải để loại bỏ để không làm ô nhiễm nước nuôi. Định kỳ hàng tuần thay nước cho rắn ít nhất 1 lần, ngoài ra thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để kịp thời thay nếu phát hiện nước dơ, hôi. Thường xuyên kiểm tra cống bộng, rào lưới, trộm cắp để tránh tình trạng thất thoát rắn nuôi. Nếu phát hiện rắn bệnh phải tách ra chăm sóc riêng đến khi khỏe mới thả lại nuôi chung. Bổ sung và thay thế các đống lá chuối khô để tạo nơi trú ẩn cho rắn, hạn chế rắn đánh nhau và giúp rắn phát triển tốt hơn.
            - Phòng trị bệnh: hai bệnh phổ biến nhất khi nuôi rắn ri voi là lở miệng và bệnh đường ruột. Đối với bệnh lở miệng, có thể sử dụng kháng sinh như Oxytetracycline, Streptomycin… pha với nước cất để bôi vào vết thương cho rắn hoặc ngâm rắn vào thau có pha kháng sinh. Đối với rắn bị bệnh đường ruột có thể sử dụng các sản phẩm đặc trị dùng cho thủy sản hoặc tỏi cho vào con mồi và nhét cho rắn ăn liên tục 3 – 5 ngày.
            - Thu hoạch: tùy theo cỡ giống thả nuôi, sau khoảng 6 - 12 tháng đã có thể thu hoạch rắn ri voi trọng lượng từ 0,5 – 1 kg/con. Có thể giữ lại rắn cái làm rắn hậu bị cho các vụ nuôi sau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét