19/4/15

PHÁT TRIỂN MẠNH NGHỀ NUÔI ĐỂ CÁ HÔ KHÔNG CÒN NGUY CƠ TUYỆTCHỦNG

ThS. Phạm Thị Thu Hồng – CCT Chi cục Thủy sản

Cá hô (Catlocarpio siamensis, Boulenger, 1898) là loài cá đặc hữu sông Mêkông và được xem là loài cá có vảy lớn nhất thuộc họ cá chép trong hệ thống sông này. Hiện cá hô vẫn đang là loài cá quý hiếm nằm trong sách Đỏ thế giới có nguy cơ bị tuyệt chủng vì cường độ đánh bắt, khai thác loài cá này trong tự nhiên quá cao. Những năm trước ở một số địa phương như huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang)… người dân đã thu gom giống cá tự nhiên về nuôi kết hợp nuôi chung với cá tra, chép, mè vinh. Tuy nhiên, do sản lượng cá bố mẹ ngoài tự nhiên bị khai thác quá mức vào mùa sinh sản nên lượng con giống ít dần. Cá hô có chất lượng thịt thơm ngon do hàm lượng đạm cao, ít xương dăm nên được thị trường ưa chuộng, đặc biệt cá ngoài tự nhiên có trọng lượng càng lớn giá bán càng cao. Giá bán cá hô bình thường chỉ khoảng 80.000 – 120.000đồng/kg đối với cá 4 - 6 kg, tuy nhiên có thể lên đến hơn 1.000.000 đồng/kg đối với cá 30 kg trở lên. Do giá trị dinh dưỡng và cảm quan cao nên sản lượng cá hô hiện nay không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng.
Cơ sở phát triển nghề nuôi 
Hiện nay, quy trình sinh sản nhân tạo cá hô đã được nghiên cứu thành công và áp dụng tại một số địa phương góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá hô phát triển, đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nước ngọt và bảo tồn loài cá cá quý hiếm này. Cá hô đã được sản xuất giống nhân tạo thành công đầu tiên tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II năm 2009, tiếp đến Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá này vào năm 2012 và hàng năm, 2 trung tâm đã cung cấp ra thị trường 60 - 80 vạn con giống, đáp ứng nhu cầu của người nuôi ở các địa phương trong cả nước. 
Ngoài môi trường tự nhiên, cá nặng trên 70- 100kg, cá đực và cá cái thành thục và bắt đầu sinh sản sau 5 năm tuổi, kích thước 70 - 80 cm, trọng lượng 10 - 15 kg, mùa vụ sinh sản từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Những con cá cá cái lớn, sức sinh sản có thể đạt 6 - 7 triệu trứng và cá chỉ đẻ một lần trong năm. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã chủ động cho cá đẻ được nhiều lần và kéo dài được mùa sinh sản của cá hầu như quanh năm. Cá hô là loài thủy sản tương đối dễ nuôi, ít bị dịch bệnh và không cạnh tranh thức ăn đối với các loài cá khác nên có thể thả ghép với nhiều loài. Chúng thích nghi ao đầm có diện tích rộng, độ sâu lớn (2 - 4 m), nếu nuôi theo mô hình công nghiệp, theo đúng quy trình, mỗi năm cá tăng trọng từ 2-3kg. Tính ăn của chúng chủ yếu ăn tạp thiên về thực vật, có khả năng sử dụng thức ăn do con người cung cấp. Thức ăn chính của cá hô là thực vật phiêu sinh, rong, trái của thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh và các động vật không xương sống thủy sinh (giáp xác, giun...). Trong điều kiện nuôi cá có thể ăn được các loại rau, cỏ, rong bèo, các loại bột ngũ cốc (cám gạo, ngô, khoai, mì) và cám công nghiệp... Với tốc độ tăng trọng 2 - 3 kg/năm, cá hô có thể được nuôi đơn trong ao hoặc lồng bè với mật độ 3 - 4 con/m2. Ngoài ra, còn có thể thả ghép với các loài cá nước ngọt khác (chép, sặc rằn…) với mật độ 10 m2/con, để tận dụng thức ăn và diện tích mặt nước nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất. Sau 3 năm, cá đạt trọng lượng 6 - 10 kg/con có thể bán với giá 80 - 100 nghìn đồng/kg. Với những cơ sở trên, nghề nuôi cá hô đã và đang được phát triển ở một số tỉnh như An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu,… bằng 2 hình thức: trong bè và xen canh trong ao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đưa cá hô xuất hiện đại trà ở các chợ - tại sao không!
Ngoài tự nhiên, cá hô chỉ có ở lưu vực sông Mekong, riêng ở nước ta, cá thường xuất hiện ở sông Vàm Nao thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhưng do bị khai thác triệt để nên giống cá này ngày càng trở nên cạn kiệt. Cá hô là loài cá nước ngọt quý hiếm ngày càng vắng bóng trên sông Tiền, sông Hậu nên đã được Ủy ban Sông Mékong đưa vào sách Đỏ, vì có nguy cơ tuyệt chủng và mới đây tại Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, trong đó có qui định một số sản phẩm cấm xuất khẩu và cá Hô là một trong số các loài thủy sản có tên trong danh mục cấm xuất khẩu. Để góp phần bảo tồn và đa dạng sinh học các đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng, nếu chủ động được nguồn giống nghề nuôi cá hô sẽ phát triển mạnh ở nhiều địa phương vì đây là loài cá có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là ở ĐBSCL và Nam bộ nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho cá sinh trưởng.
Với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó tập trung phát triển nuôi thâm canh cá tra và đa dạng hoá các thủy đặc sản khác nhằm phát triển thủy sản Vĩnh Long theo hướng tăng hiệu quả sản xuất, ổn định và bền vững, cần đặc biệt chú trọng đến các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng mở rộng sản xuất ở những vùng nông thôn và các cơ sở nuôi cá tra bị “treo ao” để tái cơ cấu lại đối tượng sản xuất, gia tăng thu nhập nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, cá hô là đối tượng nuôi mới, thời gian nuôi cá hô lại kéo dài nên chưa có nhiều mô hình nuôi theo hướng thâm canh và hiệu quả kinh tế của các mô hình này chưa được công bố theo số liệu khoa học. Vì vậy, cần có những nghiên cứu đánh giá khả năng tăng trưởng và tính thích nghi với các yếu tố môi trường của cá hô khi nuôi trong ao làm cơ sở hoàn thiện qui trình nuôi để nhân rộng, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, cung ứng sản lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng thủy đặc sản của thị trường đồng thời góp phần bảo vệ loài cá quý hiếm này. Trước mắt, nên xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm để có quy trình nuôi thâm canh cá hô cụ thể có thể rút ngắn thời gian nuôi và tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân đồng thời góp phần giảm áp lực đánh bắt đối tượng này.
Dù các nhà khoa học còn đang nghiên cứu quá trình sinh trưởng của loài cá này và nghề nuôi chỉ mới manh nha nhưng hy vọng trong tương lai không xa, nếu sản xuất có định hướng thị trường thì bóng dáng con cá hô sẽ xuất hiện đại trà ở các chợ và món canh chua “tuyệt đỉnh” cá hô nấu với cơm mẻ, bắp chuối sẽ xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình thay vì chỉ là món ăn đặc sản ở các nhà hàng tại ĐBSCL như hiện nay. Và lúc ấy, nguy cơ tuyệt chủng cá hô không còn nữa – một sản phẩm thủy sản ngon với thương hiệu Việt Nam đáng cả thế giới biết đến sẽ rộng đường “bơi xa”, tại sao không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét