TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT CÁ
TRA ĐỂ ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT
ThS. Phạm Thị
Thu Hồng – CCT Chi cục Thủy sản
Hiện nay do giá thu mua cá tra nguyên liệu tại các
tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng dần người nuôi có lãi khá
hấp dẫn nên diện tích thả nuôi đang có xu hướng tăng theo. Thế nhưng, người
nuôi tập trung thả giống thời điểm này trong khi thời vụ sản xuất giống chỉ mới
bắt đầu nên lượng cá giống cung ứng ra thị trường hạn chế. Để chủ động mùa vụ
sản xuất nhằm duy trì sản lượng cá đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến
trong năm 2017 và các năm tiếp theo, theo tinh thần công văn số 280/TCTS-NTTS
ngày 17 tháng 02 năm 2017 V/v tăng
cường công tác chỉ đạo sản xuất cá tra Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo thực hiện
một số nội dung sau:
1.Đánh giá
khả năng cung ứng cá giống
a) Thống kê báo cáo về số lượng cá giống (số lượng, kích cỡ) hiện có
tại địa phương và dự báo nhu cầu thả giống trong năm 2017; b) Rà soát đánh giá
chất lượng đàn cá tra bố mẹ tại địa phương (Số lượng, nguồn gốc, độ tuổi) và
thống kê nhu cầu cá bố mẹ hậu bị phục vụ sản xuất giống cho các năm tiếp theo.
2. Chỉ đạo sản xuất mùa vụ mới
2.1.
Đối với sản xuất giống: a) Hướng
dẫn các cơ sở sản xuất cá tra bột thực hiện công tác quản lý chăm sóc đàn cá
tra bố mẹ theo đúng quy trình nuôi vỗ nhằm tăng tỷ lệ thành thục, nâng cao sức
sinh sản; tuyệt đối không sử dụng cá bố mẹ không rõ nguồn gốc hoặc tuyển chọn
từ các ao nuôi cá tra thương phẩm; nghiêm cấm lạm dụng kích dục tố để kích
thích cá bố mẹ đẻ ép, đẻ non; b) Hướng dẫn các cơ sở ương dưỡng
giống thực hiện tốt việc cải tạo ao, vèo ương đảm bảo kỹ thuật, duy trì chất
lượng nước để ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên cho cá, sử dụng thức
ăn công nghiệp chất lượng cao hạn chế sử dụng thức ăn tự chế; không lạm dụng
thuốc, hóa chất để phòng và trị bệnh trong quá trình ương dưỡng đặc biệt là
thuốc kháng sinh.
2.2. Đối với nuôi cá tra thương phẩm: a)
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn (Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y, Trung tâm
Khuyến nông) tăng cường bám sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ người nuôi và doanh
nghiệp trong quá trình quản lý và chăm sóc cá; b) Đối với diện tích đã thả nuôi
hướng dẫn người nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, tăng cường sử dụng
các loại chế phẩm sinh học cải tạo môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ thuật
nhằm đảm bảo chất lượng môi trường nước trong ao/hầm nuôi để đẩy nhanh tốc độ
tăng trưởng của cá; c) Tuyên truyền hướng dẫn người nuôi tuyệt đối không được
sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và sử
dụng thuốc hóa chất theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc của cán bộ kỹ
thuật; d) Tăng cường hướng dẫn người nuôi thực hiện công tác cải tạo ao nuôi
đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thả giống rải vụ, thả giống mật độ hợp lý.
3. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường
và quản lý chất lượng vật tư đầu vào
a) Chủ động quan trắc,
cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi; b) Tập trung chỉ đạo
quản lý chất lượng vật tư đầu vào, thực hiện công tác kiểm tra đánh đánh giá
phân loại cơ sở, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo hướng dẫn
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên cơ sở hướng dẫn chung đã
nêu và tình hình thực tế tại địa phương, Chi cục Thủy sản sẽ đánh giá khả năng
cung ứng cá giống và báo cáo gửi về Tổng cục Thủy sản (Vụ Nuôi trồng thủy sản)
trước ngày 28 tháng 2 năm 2017 để tổng hợp theo yêu cầu; tiếp tục định kỳ hàng
tháng thực hiện quan trắc môi trường nguốn nước cấp và thải và tăng cường quản
lý sức khỏe vật nuôi tại các vùng nuôi cá tra tập trung trong tỉnh để kịp thời
cảnh báo và xử lý sự cố để giúp người nuôi giảm thiểu tối đa nguy cơ phát sinh
bệnh và ô nhiễm môi trường nuôi và nguồn nước chung. Đồng thời, dựa trên kết
quả quan trắc môi trường tháng 01, 02 /2017 và dự báo tình hình xâm nhập mặn
của cơ quan chuyên môn, để nuôi cá tra đạt các yêu cầu về chất lượng, đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, bên cạnh các
chỉ đạo trên, khuyến cáo người nuôi cần lưu ý một số yêu cầu trong sản xuất
sau:
1. Thận trọng với nguồn nước cấp
Hiện đang là cao điểm mùa
khô nhưng từ đầu năm đến nay đã có 6 cơn mưa trái mùa, thời tiết thường lạnh về
đêm, dẫn đến biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn, làm cho thủy sản nuôi dễ bị sốc và mẫn cảm với mầm bệnh có sẵn trong
ao ở tất cả giai đoạn. Trong đó, cá nuôi thường xuất hiện bệnh xuất huyết, gan
thận mủ, ngoại ký sinh ở da, mang…Vì thế các cơ sở nuôi cần thực hiện tốt các
biện pháp kỹ thuật phòng bệnh như tiêu diệt mầm bệnh, tăng cường sức đề kháng
cho vật nuôi, đồng thời cần tăng cường xử lý nước trước khi cấp cho các hệ
thống nuôi và quản lý chất lượng nước tốt trong quá trình nuôi để vật nuôi tăng
trưởng tốt. Sau khi hết chu kỳ nuôi, cần tát cạn, vét bớt bùn đáy và phơi khô
đáy ao để hạn chế khí độc xuất hiện trong môi trường ao nuôi.
2. Yêu cầu
xử lý nước thải
Hàm lượng các chỉ tiêu nước thải
từ các ao nuôi thủy sản thải ra môi trường vượt giới hạn cho phép, không chỉ
ảnh hưởng tiêu cực đến nghề nuôi mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt
cũng như sức khỏe của người dân trong vùng. Vì vậy, chủ cơ sở phải chú ý quản lý
chất lượng nước trong quá trình nuôi, cần áp dụng các biện pháp xử lý nước thải
phù hợp và kiểm tra hàm lượng các chỉ tiêu gây ô nhiễm (NH3, TSS, Coliform…) định kỳ trước
khi xả thải ra môi trường bên ngoài, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui
định của Nhà nước về “Yêu cầu chất lượng nước thải từ ao nuôi cá
tra sau khi xử lý”(Thông tư 44/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT).
3.Tăng cường quản lý, chăm sóc
sức khỏe cá nuôi
Nhất thiết các cơ sở
nuôi phải thực hiện tốt các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, bắt đầu
vụ nuôi mới phải cải tạo ao thật kỹ, dùng vôi rãi chung quanh ao cả đáy và bờ
ao để phòng ngừa những cơn mưa trái mùa có thể làm biến động đột ngột chất
lượng nước; theo dõi sát sao diễn biến tần suất, mức độ xuất hiện các loại bệnh
và thường xuyên bổ sung Vitamin C đặc biệt là cá giống mới thả để tăng sức đề
kháng cho vật nuôi; tuyệt đối không được dùng kháng sinh để phòng bệnh. Chú ý
tần suất, mức độ xuất hiện bệnh xuất huyết, gan thận mủ, nội ngoại ký sinh…Giai
đoạn này, chú ý diệt khuẩn môi trường nước và tắm cá định kỳ bằng các hóa chất
diệt ký sinh trùng.
Người nuôi nên sử dụng
con giống có chất lượng và chứng nhận kiểm dịch ở các cơ sở sản xuất giống uy
tín. Cần cải tiến kỹ thuật cho ăn để giảm hệ số thức ăn (FCR) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nếu giá cá có
biến động theo chiều hướng giảm thì rủi ro lỗ cũng được giảm thấp. Nên áp
dụng phương pháp cho ăn gián đoạn 7 ngày ngưng 2 ngày hoặc 3 ngày ngưng 1 ngày
thay vì ăn liên tục hàng ngày để giảm chất thải trong môi trường nuôi, từ đó
hạn chế tác nhân phát sinh bệnh dẫn đến gia tăng như cầu sử dụng thuốc nhất là kháng sinh mà vẫn
đảm bảo tăng trưởng của cá nuôi và giảm giá thành sản xuất. Riêng các cơ sở nuôi cá tra ở các
huyện Mang Thít, Vũng Liêm và Trà Ôn có khả năng nhiễm mặn ở thời điểm từ tháng
3 trở đi nên cần chú ý hạn chế thay nước cho các ao nuôi nếu nồng độ muối vượt
quá 8‰.
3.Tổ chức sản xuất ổn định diện tích và nâng cao chất lượng
Để nguyên liệu cá nuôi đảm bảo chất lượng và
ATVSTP đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, các cơ sở nuôi cần thực hành sản xuất
theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ
nên tham gia Hợp tác xã để được hưởng những cơ chế/chính sách ưu đãi của Nhà
nước. Và quan trọng hơn khi quyết định tái sản xuất và mở rộng vùng nuôi tuyệt
đối không chạy theo lợi nhuận để thả nuôi mật độ dày (chắc chắn sẽ khó kiểm
soát dịch bệnh) và nhất thiết phải liên kết sản xuất với các nhà máy chế biến
thủy sản, phải có Hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra. Như thế nghề nuôi cá tra
của tỉnh nói riêng và ngành hàng cá tra Việt Nam nói chung mới không vấp phải
điệp khúc sản xuất tự phát, không tuân thủ qui hoạch dẫn đến“cung vượt cầu” để
rồi giá nguyên liệu lại dưới giá thành sản xuất dẫn đến người nuôi “ khốn đốn”
như đã từng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét