26/3/17

Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và kiểm tra các họat động phát tán, nuôi trồng các lòai sinh vật ngọai lai xâm hại
Tiểu Mi – CLBKH – Chi cục Thủy sản

Sinh vật ngoại lai xâm hại là sinh vật ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.
Vậy mà, trong thời gian gần đây, hiện tượng phát tán và nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã xảy ra tại một số địa phương. Việc phát tán, nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và lòai ngọai lai có nguy cơ xâm hại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và da dạng sinh học. Danh mục các loài ngoại lai xâm hại đã được Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT ban hành tại Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013.
Trước những mối nguy đe dọa nghiêm trọng đối với các lòai sinh vật bản địa, gây thiệt hại lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, ngày 15/2/2017, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 580/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần:
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý các loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường và đa dạng sinh học;
- Kêu gọi người dân không thực hiện các hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lại xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc quản lý sinh vật ngọai lai xâm hại còn được quy định trong các văn bản pháp luật như: (1) Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (tại Khoản 1, Điều 52) quy định: “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép; (2) Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (tại Khoản 2, Điều 43) quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại. Đối với các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn, tùy mức độ thiệt hại thì mức xử phạt sẽ tăng nặng theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 của Nghị định; (3) Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (tại điểm b, Khoản 4, Điều 24) quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nuôi các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; (4) Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ NN&PTMT cũng về quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai (tại Khoản 6, Điều 7) quy định: Nghiêm cấm chủ sở hữu tự ý phóng sinh thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại ra môi trường tự nhiên, khu bảo tồn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này.
Gần đây nhất, công văn số 64/TCTS-BTPTNL về việc tăng cường quản lý các họat động phóng sinh, thả giống tái tạo các lòai thủy sản đã gửi đến các Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nội dung như sau: Ngày 04 tháng 01 năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về lĩnh vực thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại ra môi trường; chủ động cung cấp và vận động tăng ni, phật tử, người dân thả phóng sinh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.
Để hoạt động phóng sinh và thả giống tái tạo các loài thủy sản đạt kết quả cao (đặc biệt vào ngày 23 tháng chạp, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và ngày truyền thống ngành Thủy sản - ngày 01/4 dương lịch) cũng như triển khai có hiệu quả các nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung sau:
(1) Chủ động phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động và tổ chức thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
(2) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí và huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị, xã hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, các phật tử và cộng đồng dân cư để tổ chức hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
(3) Hướng dẫn các tăng ni, phật tử và cộng đồng dân cư không thả các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại môi trường; ưu tiên lựa chọn phóng sinh, tái tạo thả giống các loài thủy sản bản địa quý, hiếm; địa điểm thả và kỹ thuật lưu giữ các loài thủy sản trước khi thả và cách thức thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao; thu gom túi nilông, rác thải tại các thủy vực, ven bờ trước và sau khi thả giống phóng sinh nhằm bảo vệ môi trường.
(4) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cáctăng ni, phật tử và cộng đồng dân cư về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; áp dụng các hình thức tuyên truyền phù họp với thực tiễn, tập quán của tùng địa phương và từng nhóm đối tượng. Vận động người dân không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
(5) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong và sau thời điểm thả giống tái tạo, phóng sinh các loài thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt với các hành vi sử dụng các biện pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng các ngư cụ cấm, nghề cấm và khai thác các loài trong danh mục cấm.
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý các sinh vật ngọai lai xâm hại thì việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và kiểm tra các họat động phát tán, nuôi trồng các lòai ngọai lai xâm hại là hết sức cần thiết thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ các tổ chức Phật giáo về hoạt động phóng sinh sao cho “Tốt đời, đẹp đạo”, quản lý nuôi với mọi hình thức và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật ngọai lai xâm hại; đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của sinh vật ngọai lai xâm hại, nhất là không nuôi trồng và sử dụng sinh vật ngọai lai xâm hại vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán như nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ,…/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét