25/4/17

KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHẠCH LẤU THƯƠNG PHẨM

ThS. Lê Thị Tiểu Mi – CCTS

Cá chạch lấu là đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao bởi chất lượng thịt cá ngon, có mùi vị thơm đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa thích với ưu điểm là có thể chế biến thành nhiều món ăn thích hợp thị hiếu nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, nhu cầu sử dụng cá chạch lấu thương phẩm ngày càng tăng cao trong khi nguồn cá tự nhiên ngày càng giảm sút đã thúc đẩy nghề nuôi cá chạch lấu phát triển thời gian gần đây. Để mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi là rất cần thiết.
1. Một số đặc điểm sinh học cá chạch lấu
- Môi trường sống: cá chạch lấu là loài sống tầng đáy, ngoài tự nhiên thích chui rúc nên trong môi trường nuôi dưỡng nên chuẩn bị nền đáy cát và tạo ra những nơi cư trú như hang, hốc, khe, rãnh hay ít nhất là khúc gỗ có đục lỗ để chúng có nơi ẩn nấp. Đây là loài sống chủ yếu trong nước ngọt nhưng vẫn phát triển được trong môi trường nước lợ với nồng độ muối thấp chúng có thể sống và phát triển tốt trong điều kiện pH từ 6 – 8 và phát triển tốt nhất khi pH = 7; nhiệt độ từ 23 –270C (tốt nhất là 260C), nồng độ Oxy thích hợp >3mg/L.
- Tính ăn: là loài ăn động vật điển hình, ăn tạp, thích bắt mồi về đêm, trong tự nhiên chúng ăn các loại côn trùng sống đáy, các loài giun, ấu trùng giáp xác và cả mùn bã hữu cơ.
- Sinh trưởng: Cá chạch lấu nuôi thương phẩm trong ao thì tăng trưởng chậm hơn so với nuôi trong lồng/bè, sau thời gian nuôi 10 đến 12 tháng cá có thể đạt 500 – 800 gram/con.
2. Thiết kế và chuẩn bị vèo/ao nuôi
- Lựa chọn địa điểm nuôi: Địa điểm nuôi phải đảm bảo những tiêu chí sao: (1) phải chủ động nguồn nước cấp và nước thoát; (2) Nguồn nước tốt cho sự phát triển của cá, không bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của con người; (3) Địa điểm nuôi đáp ứng có điện, nước sinh hoạt đầy đủ; (4) Đảm bảo an ninh trật tự tốt; (5) Thuận tiện trong việc chăm sóc, quản lý; vận chuyển thức ăn và vận chuyển cá thương phẩm. Tùy điều kiện sản xuất có thể ứng dụng các hình thức nuôi sau:
- Ao nuôi: Diện tích nuôi có thể từ 300 - 500 m2 trở lên, tốt nhất là 1000m2. Độ sâu khoảng 1,5 – 2,0 m. Bờ ao chắc chắn, đảm bảo không bỉ rò rỉ, thẩm lậu. Trước khi nuôi, ao phải được cải tạo bằng các biện pháp như bơm cạn nước, bắt hết cá tạp, lấp hang mọi, nạo vét bùn đáy ao nhưng còn chừa lại lớp bùn dày 10 - 15 cm, phát quang sạch cây cỏ quanh bờ ao, bón vôi 7-10 kg/100m2. Sau khi phơi đáy ao từ 3-5 ngày tiến hành lấy nước vào, nước phải lọc qua lớp lưới nhằm ngăn không cho cá tạp theo nước vào ao. Khi mức nước trong ao đạt 1,2 ­­– 1,3 m, thì khoảng 3 ngày sau có thể tiến hành thả cá nuôi.
- Bể nuôi: có thể sử dụng bể lót bạt hoặc tận dụng các bể xi măng có sẵn lót bạt để nuôi cá. Bể phải đạt độ sâu 0,8-1,0 m. Chọn thời điểm nước lớn cấp nước vào bể đạt độ sâu 0,8-1m, để cho nước lắng trong khoảng 2-3 ngày có thể thả giống. Bổ sung thêm sục khí trong suốt quá trình nuôi và định kỳ tạo dòng chảy cho cá với mục đích cung cấp oxy và kích thích cá tăng trưởng nhanh.
- Vèo nuôi: vèo nuôi có diện tích thích hợp từ 10-30 m2, vèo nuôi có hình chữ nhật là tốt nhất, chiều cao vèo tốt nhất là 1,5m để thuận tiện trong chăm sóc và quản lý. Tùy theo kích cỡ của cá mà chọn lựa mắc lưới cho phù hợp và thiết kế số lượng vèo nuôi cũng như kích cỡ vèo thích hợp. Tuy nhiên, chiều cao của vèo luôn cách mặt nước từ 20 – 30 cm, mực nước trong vèo thích hợp cho cá phát triển tốt là 1,2 – 1,3 m. Nuôi cá chạch lấu trong vèo thì không cần bổ sung giá thể nhằm hạn chế quá trình thiếu oxy của cá. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian nuôi và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi thì cần bổ sung sục khí hoặc tạo dòng nước cho cá
Chú ý: Đối với ao nuôi, bể nuôi sau khi vệ sinh cải tạo xong tiến hành đặt giá thể cho cá trú ẩn. Giá thể có thể sử dụng ống tre, chà cây hoăc dùng ống nhựa cắt từng đoạn thả xuống đáy ao.
3. Thả giống
Chọn giống cá thả nuôi phải đều cỡ, khỏe mạnh, không bị xây xát hay có dấu hiệu nhiễm bệnh, cá hoạt động linh hoạt. Nên chọn con giống có chất lượng tốt từ nguồn cá giống sinh sản nhân tạo vì kích cỡ giống đồng đều, con giống đã được thuần dưỡng nên rất phù hợp với nuôi thương phẩm và tốt nhất con giống đã sử dụng được thức ăn công nghiệp.
Mật độ thả nuôi trong ao khoảng 2 – 5 con/m2; mật độ nuôi trên bể lót bạt và nuôi trong vèo là 10 con/m2. Nếu nuôi cá chạch lấu với mật độ cao thì cần hỗ trợ sục khí và tạo dòng chảy cho cá.
4. Chăm sóc quản lý
- Quản lý thức ăn: Thức ăn cá chạch lấu gồm: cá tạp, tép, trùn quế hoặc kết hợp trùn quế với thức ăn công nghiệp (loại dùng cho cá chình 40 – 42% đạm) hoặc có thể sử dụng hoàn hoàn bằng thức ăn công nghiệp (loại dùng cho cá chình) với hàm lượng đạm cao từ 42% đạm trở lên.
Khẩu phần ăn cho cá từ 5 – 7% trọng lượng thân và tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe của cá. Ngoài ra, định kỳ trộn thêm vitamin C, khoáng và men tiêu hóa vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng cho cá nuôi. Do thời gian tiêu hóa thức ăn của chạch lấu chậm, vì vậy nếu cho cá ăn vào chiều tối thì bổ sung men tiêu hóa vào thức của cá nhằm hỗ trợ cá tiêu hóa thức ăn và tránh hiện tượng cá bị sình bụng.
Cho cá ăn trong sàn ăn đặt ở các vị trí khác nhau để kiểm soát lượng cho ăn và dễ theo dõi hoạt động bắt mồi của cá. Cho cá ăn 2 lần/ngày: sáng lúc 5 – 6 giờ, chiều lúc 17 - 18 giờ. Do cá có tập tính bắt môi buổi chiều mát và ban đêm nên cho cá ăn vào buổi chiều bằng 2/3 lượng thức ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải vệ sinh sàn ăn mỗi ngày và định kỳ vệ sinh vèo 5 – 7 ngày/lần nhằm kích thích cá bắt mồi tốt. Vệ sinh vèo là khâu rất quan trọng trong quá trình nuôi, nếu vèo không được vệ sinh sạch sẽ thì dẫn đến cá sẽ không bắt mồi và nguy hiểm nhất là hiện tượng cá bị ngạt do thiếu oxy.
- Quản lý chất lượng nước
Cần duy trì mực nước ổn định, và giữ cho môi trường nước ao nuôi luôn sạch thì cá mới tăng trưởng nhanh. Định kỳ ghi nhận các yếu tố môi trường để kịp thời phát hiện những sự cố bất thường và điều chỉnh cho phù hợp nhằm hạn chế tối đa sự xuất hiện mầm bệnh trong ao nuôi.
Hàng ngày thay nước từ 10 – 30% nước trong ao cần để tạo môi trường luôn trong sạch đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển tốt. Do cá có đặc tính phân đàn cao theo thời gian nuôi, do đó phải định kỳ tiến hành phân cỡ cá 20 – 30 ngày/lần đảm bảo cho cá tăng trưởng đồng đều. Đặc biệt, ở cá chạch lấu, cá đực tăng trưởng nhanh hơn cá cái, vậy khi giai đoạn cá lớn 100 – 200 gram/con, dựa vào đặc điểm phân biệt đực cái, nếu được có thể tiến hành tách nuôi cá đực và cái cái riêng biệt thì sẽ cá sẽ tăng trưởng nhanh hơn và giảm hệ số chuyển hóa thức ăn đáng kể.
5. Thu hoạch
Với kích cỡ giống 30 – 50 gram/con thì sau thời gian khoảng 5 – 8 tháng nuôi, cá đạt 300 – 500 gram/con thì có thể thu hoạch. Cá có kích thước càng lớn thì giá bán càng cao. Do dó, tùy vào thị trường và tình trạng sức khỏe cá mà quyết định thời gian nuôi, thu tỉa hoặc thu toàn bộ trong ao nuôi.
6. Phòng và trị một số bệnh có thể gặp ở cá chạch lấu
Khi nuôi thương phẩm, cá chạch lấu cũng xảy ra bệnh chủ yếu vào tháng 9 – 11 dương lịch hàng năm. Vào thời điểm này, để phòng bệnh cho cá nuôi định kỳ (3 ngày/lần) trộn men vi sinh và vitamin C vào thức ăn, kết hợp với xử lý môi trường bằng vôi (với liều lượng 2-3kg/100m2 ao). Hạn chế dùng thuốc và hóa chất trong công tác phòng và trị bệnh vì cá rất mẫn cảm với thuốc và bỏ ăn nhiều ngày, tuyệt đối không được sử dụng loại trong danh mục cấm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi nuôi cá chạch lấu thường gặp một số bệnh đặc trưng như:
- Bệnh đường ruột: Biểu hiện cá là cá bị sình bụng, hoạt động yếu ớt, ăn kém hoặc bỏ ăn. Có thể sử dụng thuốc kháng khuẩn thuộc nhóm Sulfamid trộn vào thức ăn với liều lượng 1 – 2g/kg thức ăn kết hợp với vitamin C, cho cá ăn liên tục 3 - 5 ngày thì cá sẽ khỏi bệnh.
- Bệnh do ngoại ký sinh: Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi quá cao, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài và thời tiết lạnh. Phòng bệnh bằng cách thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Trị bệnh: sử dụng formol tạt xuống ao với nồng độ 20 – 25 ml/m3.
- Bệnh do nội kí sinh: Giun kí sinh trong ruột cá, hấp thu dinh dưỡng làm cá viêm ruột và chậm lớn. Phòng bệnh bằng cách thả nuôi mật độ vừa phải, thức ăn phải tươi và được rửa sạch, giữ môi trường ao nuôi tốt, định kỳ diệt trùng ao. Sử dụng thuốc tẩy giun trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày. Cần chú ý, ở cá chạch lấu khi sử dụng thuốc tẩy giun phải sử dụng đúng liều lượng, đúng loại nếu không thì sẽ dẫn đến hiện tượng cá bị vẹo thân, cong đuôi và chậm lớn.
- Bệnh xuất huyết do vi khuẩn: Khi cá bị mắc bệnh này thì hậu môn lồi ra, một số vây cá bị rách xơ xác dần dần bị rụng, bên trong thịt ứ máu và mủ. Cá lội lờ đờ, chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.+ Cách phòng : không nuôi mật độ quá dày, cho cá ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. + Cách trị: sử dụng kháng sinh đặc trị cho ăn liên tục từ 5-7 ngày với liều 2g/kg thức ăn, bổ sung vitamin C với liều lượng 3g/kg thức ăn.
- Bệnh lở loét: Khi bệnh cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn. Phòng và trị bệnh: luôn giữ môi trường sạch, định kỳ dùng vôi bột, các hoá chất xử lý đáy ao. Trị bệnh: dùng thuốc tím 5 g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3 kg/m3 tạt xuống ao và trộn kháng sinh đặc trị vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đồng thời bổ sung vitamin C với liều lượng 3g/kg thức ăn.
- Bệnh do nấm thuỷ mi: Khi bệnh cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Phòng và trị bệnh bằng cách giữ môi trường nước trong sạch, không để cá bị suy dinh dưỡng, không nuôi mật độ quá dầy hoặc làm cá bị xây xát. Dùng formol tạt xuống ao liều 20-25 ml/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn với nồng độ 1-2% tắm cá trong 1 phút./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét