21/8/17

Ngành cá tra Việt Nam ứng phó với Farm Bill của Mỹ

Phạm Thị Thu Hồng – P.TTK Hiệp hội cá Tra VN

Tăng trưởng trong trở ngại của rào cản kỹ thuật 
Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 3.800 ha, sản lượng đạt hơn 630.000 tấn, tăng 1,5% về diện tích và 2,5% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2016. Dù đã thâm nhập hơn 140 quốc gia, vùng và lãnh thổ trên thế giới trong đó con cá tra đang là sản phẩm được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng, nhưng con đường đi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian dài vừa qua, Mỹ, EU là thị trường chính trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhưng hiện tại cũng như dự báo từ nay đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ giảm tại 2 thị trường này.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong 7 tháng năm nay, ngành cá tra Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hơn 996 triệu USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó, KNXK cá tra sang thị trường Mỹ đạt hơn 223 triệu USD, giảm 1% so cùng kỳ năm 2016; thị trường EU đạt KNXK 121 USD giảm 23% so cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc KNXK đạt 201 triệu USD, tăng 46%. Nguyên nhân dẫn đến KNXK cá tra vào Mỹ giảm là do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố mức thuế cao áp cho cá tra Việt Nam và từ ngày 1/8/2017, 100% lô hàng cá tra của Việt Nam sẽ được kiểm tra về nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Riêng thị trường EU kim ngạch xuất khẩu giảm là do cá tra đang cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa và các loại cá biển khác…Rõ ràng, khi đối mặt với các đạo luật như Luật Nông trại (Farm Bill), các đợt kiểm tra của luật này đang gây ra rào cản thương mại đối với cá tra Việt Nam.

Không bất ngờ với Farm Bill.
Vừa qua, việc Mỹ thông qua Luật Nông trại (Farm Bill 2014) có phần liên quan đến con cá tra Việt Nam và đưa vào việc giám sát, thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) như bao lâu nay bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2017, trước hạn 1 tháng so với công bố trước đây. Hơn chục năm qua, khi cá tra xuất khẩu vào Mỹ với mức tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn nên bị đánh thuế chống bán phá giá, gây trở ngại cho ngành cá tra vì thời điểm đó Mỹ là thị trường lớn nhất của loại cá da trơn này. Tuy nhiên, không vì vậy cá tra Việt Nam mất tích trên thị trường Mỹ mà còn được người tiêu dùng nhiều nước khác chấp nhận như EU… Do đó, những thông tin vừa qua về Farm Bill 2014 với những người trong cuộc không phải bất ngờ khi vấn đề này đã được phía Mỹ đặt ra từ năm 2008. Việc các nước nhập khẩu đưa ra các tiêu chuẩn như loại hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước cũng bình thường. Những điểm mới của dự luật chính là chuyển sự giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra Việt Nam từ FDA sang Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) với Sự khác biệt giữa các quy định của FDA và FSIS về Siluriformes (cá da trơn) như sau:
FDA
FSIS (thuộc USDA)
Đạo luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA)
Thông báo trước/Chống khùng bố sinh học
Không có dấu thanh tra
Xác nhận nhà nhập khẩu
Đạo luật thanh tra thịt
Xác định tính tương đương
Phân tích bổ sung mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
Dấu thanh tra
Chứng nhận Nước ngoài
Dán nhãn
Thanh tra lại
Chú thích thanh tra/Số giờ chuẩn ở miền Đông
Trước đây, FDA chỉ quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, không quản lý về vùng nuôi, doanh nghiệp Việt Nam tự lo về chất lượng hoặc do tổ chức thứ ba chứng nhận vùng nuôi. USDA giám sát sẽ quản lý cả vùng nuôi, bắt buộc phải theo tiêu chuẩn, yêu cầu của USDA đưa ra. Với điều khoản này, nhiều người lo ngại USDA sẽ quy định cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang bằng với mặt hàng được nuôi tại Mỹ, từ vùng nuôi đến chế biến.

Ứng phó rào cản: mở rộng thêm thị trường
Cá tra là sản phẩm chủ lực của quốc gia mặc dù gặp rất nhiều trở ngại trong phát triển nhưng với thị trường Mỹ vẫn là thị trường chính yếu nên cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đối tượng này rất được quan tâm và hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 55/2017NĐ-CP thay thế cho nghị định 36/2014NĐ-CP tạo cơ chế thông thoáng hơn cho con cá tra; trong đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản đối với con cá tra; tạo hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu làm căn cứ thực hiện. Đây là cơ sở triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng tử tế, gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của con cá tra Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng phải “tự thân vận động” để có hướng đi riêng đối với từng sản phẩm cá tra, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng và hàng rào thương mại khi vào thị trường Mỹ, thì các doanh nghiệp cũng cần linh động thay đổi chiến lược xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Chẳng hạn như tăng sản phẩm cao cấp, chất lượng cao bởi yếu tố giá thấp không ảnh hưởng và không phải là lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính của thế giới là Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn nhiều thị trường khó tính khác chưa thể chạm tới, cụ thể là thị trường Nhật Bản. Theo đánh giá của các doanh nghiệp từng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, đây là thị trường sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, nhưng yêu cầu về an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt. Mặt hàng nào phải đáp ứng dưới 200 tiêu chí mới được nhập khẩu và sản phẩm cá tra cũng không ngoại lệ. Nhiều chuyên gia cho rằng: doanh nghiệp chỉ cần nắm bắt đúng thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản, có chiến lược thuyết phục người Nhật thay đổi khẩu vị từ việc chỉ ăn cá biển sang thưởng thức một loại cá nước ngọt, da trơn, được tẩm ướp như cá tra Việt Nam và ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản vào quy trình kiểm soát vi sinh trên sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng thì đường vào thị trường khó tính này sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, một số siêu thị lớn của Nhật Bản và một số cửa hàng nằm trong nhóm gồm 1.700 cửa hàng của hệ thống AEON có trưng bày bán sản phẩm cá tra Việt Nam là tín hiệu thuận lợi cho chiến lược thâm nhập sâu vào thị trường này. Riêng cá tra, nhiều thị trường xuất khẩu nhựng đặc biệt lại có những phân khúc tiêu dùng khác nhau không những thị trường Mỹ, châu Âu mà cả thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Vì vậy, việc mở rộng thêm thị trường cho con cá tra, sản phẩm mang lại kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD hàng năm cho Việt Nam là biện pháp cấp thiết để thích ứng trước các rào cản thương mại. Chính vì vậy, chiến lược sắp tới là doanh nghiệp cũng phải giảm dần cá tra nguyên con đông lạnh, cắt khoanh đông lạnh, block đông lạnh; hướng đến tăng sản phẩm có tỉ lệ mạ băng thấp, hàm ẩm thấp, giá bán cao. Châu Âu vẫn còn nhiều phân khúc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu với giá cao, chất lượng cao, nhất là các thị trường như Tây Ban Nha, Hà Lan,… Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, khi bán giá cao thì cho dù xuất khẩu với số lượng thấp thì doanh nghiệp vẫn mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam. Đồng thời, lại vừa khẳng định giá trị sản phẩm cá tra trên thị trường quốc tế.

Cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia: tổ chức lại sản xuất Farm Bill 2014 sẽ có những tác động đến ngành hàng cá tra Việt Nam trong tương lai. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhà nước xác định cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do đó phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến. Có thể nói, các mặt hàng thủy sản đi đầu trong hội nhập quốc tế. Sản phẩm cá tra xuất khẩu đến nhiều nước nhờ đáp ứng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của từng nước hay khu vực, với nhiều chứng nhận như: HACCP - phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn, bắt buộc trong quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm, ASC - tiêu chuẩn toàn cầu trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, Global GAP - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu, BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Anh. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có được bộ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng BAP (Tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu) mà Mỹ áp dụng… Dù theo chuẩn nào nhưng cơ bản vẫn là nuôi bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo trách nhiệm xã hội. 

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo, để ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, ngoài việc phải linh hoạt phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao ở từng thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường truyền thông về hình ảnh đẹp của cá tra Việt Nam ra thị trường thế giới, giúp cá tra đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn. Đồng thời, kết hợp với nhiều giải pháp khác để giữ uy tín cho con cá tra Việt Nam.

Bên cạnh đó, để ngành hàng cá tra phát triển hiệu quả và bền vững, thời gian tới cần tích cực tái cấu trúc ngành hàng cá tra theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nên tổ chức lại sản xuất theo hướng kinh tế tập thể (Hợp tác xã kiểu mới), thúc đẩy việc cải thiện chất lượng ngành cá tra trong tất cả “mắc xích”từ con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến đều tuân thủ yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường; xem việc phát triển thị trường trong nước và quốc tế với việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến là cơ sở để xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam, khẳng định uy tín trên trường quốc tế. Các doanh nghiệp khi thực hiện theo Đạo luật nông trại (Farm Bill) phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đồng thời phải chứng minh được những điểm tương đồng trong các vấn đề được nêu tại mục 557.2 điều 9 của Bộ luật các quy định Liên bang (CFR). Riêng đối với thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện để khi thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và EU có hiệu lực là có thể thích ứng ngay. Có như thế, dù cho Luật Farm Bill hay các rào cản thương mại khác thì ngành hàng cá tra Việt Nam vẫn đứng vững khi “bơi” ra “biển” lớn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét