12/2/15

        Tái cấu trúc để vực dậy ngành hàng cá tra Việt Nam                                             
                   ThS.Phạm Thị Thu Hồng– P.TTK Hiệp Hội cá tra Việt Nam


Ngày 05 tháng 02 năm 2015, Hội thảo Tái cấu trúc ngành hàng cá tra gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Hiệp Hội cá tra Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra tại thành phố Cao Lãnh với sự hiện diện hơn 150 đại biểu các thành phần thuộc cộng đồng tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi ngành hàng, đại diện các cơ quan quản lý đến từ các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có nuôi cá tra. Đến dự và chỉ đạo phát triển ngành hàng có sự tham gia của ông Lê Vĩnh Tân - Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Dương Quốc Xuân - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của ngành hàng cá Tra Việt Nam.
Sự cần thiết Tái cấu trúc ngành hàng
Cá tra là ngành sản xuất có thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)đã trở thành đối tượng sản xuất quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam vì đóng góp tỉ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia. Trong giai đoạn từ 2001 – 2014, diện tích nuôi cá đã tăng từ 2.317ha lên 5.500ha; sản lượng từ 46 nghìn tấn tăng lên 1.047 nghìn tấn và giá trị xuất khẩu tăng từ 6 triệu USD lên 1.768 triệu USD và trở thành một trong những ngành hàng chủ lực ở ĐBSCL. Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng, đến nay đã có 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng sản phẩm cá tra của Việt Nam. Sự phát triển của ngành hàng cá tra trong thời gian qua cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng – trầm: tăng trưởng nóng trong giai đoạn từ 2001 – 2008 (diện tích nuôi và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh); bắt đầu suy giảm từ 2009 – 2012 (diện tích có xu hướng giảm) và đi vào ổn định, cân đối cung cầu từ năm 2013 – 2014. Do cơ chế thị trường chỉ chấp nhận và tồn tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, làm tốt và tuân thủ các quy định nên các vấn đề lớn phải giải quyết là cung vượt cầu, chất lượng, giá cả, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ và tình hình tín dụng; phải quy hoạch; phải liên kết vùng, cần tổ chức đầu mối cấp vùng phù hợp, đủ sức điều tiết chung; quy hoạch vùng nuôi cá phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, nguồn nước và theo quy luật thị trường để ổn định sản xuất. ...
Qua kinh nghiệm thực tế phát triển của các ngành hàng nông nghiệp, bất kỳ ngành hàng nào sau một thời gian phát triển cũng phát sinh nhiều bất cập dẫn đến sự trì trệ và phát triển không ổn định. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc ngành hàng là động thái cần thiết để sắp xếp và cơ cấu lại và đổi mới ngành hàng theo hướng tích cực hơn. Đối với ngành hàng cá tra đặc thù là 95% nguyên liệu là phục vụ xuất khẩu nên vấn đề tái cấu trúc càng trở nên bức thiết hơn để vực dậy ngành hàng do nhiều yếu tố như: sự thay đổi cấu trúc thị trường xuất khẩu và những khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu; sự phát triển chưa hoàn thiện của chuỗi và thiếu sự liên kết trong chuỗi ngành, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu trong sản xuất. Đồng thời, sự thay đổi cấu trúc bên trong của ngành hàng trong đó tình trạng nợ xấu đang là áp lực đè nặng lên hoạt động của các thành phần tham gia chuỗi giá trị và nhu cầu về sự thay đổi trong tổ chức bộ máy và quản trị của doanh nghiệp đã trở thành vận mệnh “sống còn” trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Mục tiêu tái cấu trúc
Tại Hội thảo, Ông Dương Quốc Xuân - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định, mục tiêu chính của Tái cấu trúc ngành cá tra gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL là nhằm cải thiện hoạt động chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra trên thị trường. Để thực hiện các mục tiêu đó, cần sự vào cuộc và quyết tâm của các doanh nghiệp và địa phương. Trong đó, vấn đề cốt lõi đặt ra đối với ngành cá tra là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, các địa phương cần tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi theo mô hình bền vững, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu cá tra quốc gia.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Tái cấu trúc ngành hàng cá tra được thực hiện nhằm mục tiêu chung là nhằm cải thiện hoạt động chuỗi nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra trên thị trường. Trong đó bao gồm 3 mục tiêu cụ thể: (1) Cải thiện chất lượng, xây dựng hình ảnh mới cho ngành cá tra; (2) Lành mạnh hóa tài chính doanh, gia tăng khả năng tiếp cận vốn trong toàn chuỗi;và (3) Gia tăng độ sâu mỗi thị trường, xây dựng kênh phân phối để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nợi dung Tái cơ cấu ngành hàng
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, hoạt động tái cấu trúc ngành hàng cá tra được tập trung vào 04 lĩnh vực: (1) Tái cấu trúc về thị trường; (3) Tái cấu trúc về sản phẩm và chất lượng sản phẩm; (3) Tái cấu trúc về tài chính; và (4) Quản trị theo chuỗi
- Đối với thị trường, mỗi thị trường xuất khẩu đều có đặc điểm riêng nên Tái cấu trúc về thị trường nhằm mục tiêu: phát triển thị trường; tăng kim ngạch xuất khẩu và hoàn thiện chuỗi giá trị. Tái cấu trúc thị trường cần tập trung vào các khu vực thị trường chính như: thị trường Mỹ và EU; Trung Quốc và Hongkong; và thị trường các nước ASEAN. Một số vấn đề chính yếu cần được thực hiện nội dung này là: xây dựng hệ thống phân phối, kênh bán hàng trực tiếp; xây dựng hệ thống chất lượng và quản trị chất lượng làm tiền đề xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá tra.
- Tái cấu trúc về sản phẩm và chất lượng sản phẩm là một trong những vấn đề quan trọng nhất để xây dựng lại thương hiệu và phát triển thị trường cá tra. Để triển khai nội dung này cần thực hiện theo hướng: Đa dạng hóa cơ cấu chủng loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm cho nhu cầu ăn liền hướng đến các phân khúc dinh dưỡng, sức khỏe. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí về chất lượng và thực hiện quản trị chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khu vực nuôi đến chế biến xuất khẩu.
- Tái cấu trúc về tài chính đang là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay để đảm bảo sự hoạt động của các thành phần trong chuỗi ngành hàng. Một số vấn đề quan trong cần được quan tâm thực hiện liên quan đến tái cấu trúc về tài chính trong chuỗi như: xử lý nợ xấu ở các DN chế biến; cơ cấu lại vốn và nợ ở khu vực doanh nghiệp chế biến; đề xuất thể chế gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho các trang trại, nông hộ nuôi; và mở rộng mô hình cho vay theo chuỗi.
Bên cạnh đó cần có đánh giá, phân loại DN để có hướng tái cấu trúc phù hợp. Nhóm ổn định (nhóm 1): có thị trường, khách hàng và cấu trúc bộ máy ổn định. Đối với nhóm này, ngân hàng hỗ trợ vốn để doanh nghiệp (DN)  có thể mua lại DN nhóm 2 và có thể mua lại doanh nghiệp nhóm 3 và thực hiện hoán chuyển nợ. Nhóm DN hoạt động cầm chừng (nhóm 2): Cần thực hiện đánh giá lại DN: nếu DN này có khả năng phục hồi thì cần có sự hỗ trợ cho DN phục hồi, nếu không có khả năng phục hồi thì sẽ chuyển sang nhóm 3 để tiếp tục xử lý. Nhóm rất xấu (nhóm 3): là những DN yếu kém, không có khả năng phục hồi, chỉ sản xuất gia công cầm chừng. Đối với các DN thuộc nhóm này cần thực hiện các giải pháp mua bán, sáp nhập hoặc phá sản, giải thể.
- Khi ngành hàng càng phát triển, thì sự cạnh tranh của các thành phần trong chuỗi càng cao, các thành phần trong chuỗi sẽ khó đứng vững và tồn tại riêng lẻ. Từ đó, xuất hiện các nhu cầu liên kết, hợp tác để phát triển và mô hình quản trị theo chuỗi được hình thành. Quản trị theo chuỗi đòi hỏi phải có cơ chế làm nền tản cho sự hợp tác và đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các thành phần trong chuỗi. Sự hợp tác này đòi hỏi sự chia sẻ chi phí và phân chia lợi nhuận một cách hài hòa giữa các thành phần trong chuỗi, đây cũng là những yếu tố then chốt trong xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp nói chung, và ngành hàng cá Tra nói riêng, với tiềm lực, kinh nghiệm và quyết tâm mạnh mẽ Hiệp hội cá tra Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, phối hợp tích cực với các bộ, ngành và các địa phương trong việc hỗ trợ phát triển và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành phần trực tiếp sản xuất và luôn đồng hành với công đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cá tra để tiếp tục đưa ngành cá tra phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững hơn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét