12/2/15

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN VỚI THÔNG TƯ 45/2014/TT-BNNPTNT
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - CLBKH Chi cục Thủy sản
Nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 14) ngày 29/3/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Sau 3 năm triển khai thực hiện Thông tư 14, theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thì vẫn chưa tạo được nhiều chuyển biến tích cực khi mà số lượng cơ sở xếp loại C (không đạt) vẫn chiếm số lượng đáng kể. Để tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Thông tư này sẽ thay thế hoàn toàn Thông tư 14. Đối với lĩnh vực thủy sản, Thông tư 45 quy định về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và cơ sở nuôi trồng thủy sản.
1. Thông tin chung về Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT:
            - Thông tư 45 bao gồm 4 chương, 28 điều.
            - Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm và quyền hạn của các bên có liên quan.
            - Đối tượng áp dụng bao gồm:
            + Cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
            + Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn.
            + Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (lĩnh vực thủy sản): Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông lâm thủy sản có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với các cơ sở nuôi cá tra thâm canh vì theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra thì các cơ sở nuôi cá tra thâm canh bắt buộc phải được kiểm tra điều kiện sản xuất theo Thông tư 14 cho dù cơ sở có đăng ký kinh doanh hay không.
            + Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở nêu trên.
2. Những điểm mới của Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT so với Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT:
a) Cơ quan kiểm tra:
Cơ quan kiểm tra ở cấp địa phương do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Với qui định này, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản đang tham mưu phân công...
b) Các hình thức kiểm tra: đối với “Kiểm tra, xếp loại” bổ sung thêm các trường hợp:
- Cơ sở đã được kiểm tra đạt yêu cầu nhưng hoãn kiểm tra định kỳ có thời hạn quá 06 (sáu) tháng;
- Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng bị thu hồi hoặc thay đổi chủ sở hữu, có thay đổi điều kiện bảo đảm CL, ATTP so với ban đầu.
c) Nội dung kiểm tra: bổ sung thêm chi tiết về trường hợp phải “Lấy mẫu kiểm nghiệm” tại cơ sở kiểm tra:
- Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện khi nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm đối với cơ sở có dự kiến kết quả xếp loại C;
- Việc chỉ định chỉ tiêu phân tích dựa trên đánh giá nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm và tập trung vào nội dung kiểm tra đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu theo quy định;
- Việc lấy mẫu, phân tích mẫu phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
d) Tần suất kiểm tra: tần suất kiểm tra được phân biệt thành 2 nhóm:
- Tần suất kiểm tra áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn được quy định như sau:
+ Cơ sở xếp loại A: 1 lần/2 năm;
+ Cơ sở xếp loại B: 1 lần/năm;
+ Cơ sở xếp loại C: Thời điểm kiểm tra lại tùy thuộc vào mức độ sai lỗi của cơ sở được kiểm tra và do Cơ quan kiểm tra quyết định, nhưng không quá 6 tháng tính từ thời điểm kiểm tra xếp loại C.
- Tần suất kiểm tra áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được quy định như sau:
+ Cơ sở xếp loại A: 1 lần/ năm;
+ Cơ sở xếp loại B: 2 lần/năm;
+ Cơ sở xếp loại C: Thời điểm kiểm tra lại tùy thuộc vào mức độ sai lỗi của cơ sở được kiểm tra và do Cơ quan kiểm tra quyết định, nhưng không quá 3 tháng tính từ thời điểm kiểm tra xếp loại C. Nếu thời điểm kiểm tra lại trùng với thời điểm mùa vụ đã kết thúc thì đợt kiểm tra lại sẽ được thực hiện khi bắt đầu vào mùa vụ kế tiếp.
đ) Biên bản kiểm tra: thay đổi và bổ sung thêm một số “Yêu cầu đối với biên bản kiểm tra” như sau:
- Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi (nếu có)
- Có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở, đóng dấu giáp lai của cơ sở (nếu có) vào biên bản kiểm tra hoặc ký từng trang trong trường hợp cơ sở không có con dấu.
- Được lập thành 02 bản: 01 bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 01 bản lưu tại cơ sở; trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.
e) Xử lý kết quả kiểm tra: bổ sung thêm quy định về việc xử lý kết quả kiểm tra tại cơ sở:
Cơ quan kiểm tra không công nhận cơ sở được xếp loại A hoặc B đối với cơ sở có kết quả kiểm nghiệm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc xem xét công nhận kết quả xếp loại A hoặc B được thực hiện sau khi cơ sở điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục; được cơ quan kiểm tra thẩm tra đạt yêu cầu.
ê) Điều khoản chuyển tiếp: Các giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì sẽ tiếp tục có hiệu lực đến hết thời điểm hiệu lực được ghi trong giấy chứng nhận.
3. Kết luận:

Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 17/01/2015 và thay thế hoàn toàn Thông tư 14 cùng các Thông tư điều chỉnh, bổ sung Thông tư 14. Với định hướng phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới trong đó lĩnh vực nuôi thủy sản chiếm vị trí rất quan trọng thì sự quan tâm của các cấp ngành quản lý và các bên có liên quan trong việc thực hiện Thông tư này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những bức xúc về chất lượng, an toàn thực phẩm trong thời gian sắp tới theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT “Lấy năm 2015 là năm ATVSTP”nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành đạt giá trị cao, hiệu quả ổn định và bền vững./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét