7/12/15

PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ RÔ PHI – SẢN PHẨM CÓ TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU

Th.S Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục Thủy sản Vĩnh Long

Cá rô phi là một loài cá có thịt trắng, dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu tốt với môi trường, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp, thích nghi cả với nước ngọt và lợ nên cá rô phi đang ngày càng nhận được sự quan tâm của người nuôi và diện tích thả nuôi tăng hàng năm. Thời gian gần đây, cá rô phi cũng góp phần tăng tỷ trọng sản phẩm thủy sản xuất khẩu nuôi từ nước ngọt; đa dạng hóa sản phẩm thủy sản do có thể tận dụng tốt hơn các vùng nước hiện có ở nước ta. 
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước năm 2014 là 16.000 ha, nuôi lồng bè đạt hơn 410.000m3, sản lượng 125.000 tấn. tăng 25% so với cùng kỳ. Năm 2015, kế hoạch nuôi cá rô phi trong ao khoảng 21.000 ha, nuôi lồng bè khoảng 1.000.000m3, sản lượng khoảng 150.000 tấn, nhu cầu con giống khoảng 1 tỷ con. Cá rô phi được chế biến thành nhiều sản phẩm như: phi lê còn da, phi lê lạng da, cá rô phi nguyên con đông lạnh. Đây là những sản phẩm được các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng và lựa chọn nhập khẩu. Cũng từ lâu đã trở thành nguồn protein chủ yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy cá rô phi không được ưa chuộng như cá tra nhưng nhu cầu tiêu thụ loại cá này ở các nước phát triển đang ngày càng gia tăng nhờ mức giá bình dân, hướng tới đông đảo các đối tượng tiêu dùng. Và những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới là rất lớn và ngày càng tăng cao nên đây là mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng. Trong 10 năm gần đây, sản lượng cá rô phi trên toàn thế giới tăng bình quân 15-20%, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất với giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 1,1 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh cũng khiến cho giá cá rô phi tăng đều qua các năm, cụ thể giá cá rô phi năm 2009 chỉ 3,5 USD/kg thì sang năm 2014 giá cá rô phi lên đến 4,5 USD/kg. Tiềm năng xuất khẩu trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trị hơn 32 triệu đô la năm 2014 cá rô phi đã trở thành mặt hàng đứng thứ 10 trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Colombia - 3 nước nhập khẩu lớn nhất sản phẩm này của Việt Nam, mức tiêu thụ mạnh đang tăng trưởng không chỉ tại thị trường Mỹ mà trên toàn thế giới. 
Qua 10 năm phát triển, nghề nuôi cá rô phi đã trở thành một ngành hàng, trong đó người nuôi ngày càng cải tiến kỹ thuật, nhiều nghiên cứu giống được triển khai, các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản cũng đã đầu tư nhiều dây chuyển sản xuất thức ăn cá rô phi công nghiệp, các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đã chuyển sang chế biến cá rô phi mà không cần phải đầu tư nhiều. Hơn nữa, nước ta có thể phát triển nuôi cá rô phi không những ở các ao hồ, lồng bè nước ngọt mà còn có thể nuôi cá rô phi ở các vùng nước lợ ven biển với chất lượng thịt cao hơn. Là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước lẫn xuất khẩu, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi. Vì thế, trong quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định đây là 1 trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành thủy sản, trong đó với hiện trạng ở tỉnh hơn 100.000m3 nuôi rô phi đỏ trong lồng/bè, sắp tới mục tiêu đến năm 2020 Vĩnh Long sẽ mở rộng vùng nuôi 50 ha nuôi rô phi đen (tập trung vùng nuôi cá tra bị “treo ao” và nuôi không hiệu quả) và 160.000m3 nuôi trong lồng/bè. 

Phát triển diện tích nuôi cá rô phi phải gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chế biến, xuất khẩu phù hợp với từng thị trường tiêu thụ và phải xây dựng thương hiệu sản phẩm cá rô phi riêng, tạo sản phẩm đặc trưng, riêng biệt mới có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước đi trước về xuất khẩu cá rô phi. Bên cạnh đó, để tránh trường hợp phát triển “nóng” cá rô phi dẫn đến mất kiểm soát, không gắn với nhu cầu thị trường làm cho sản xuất cá rô phi kém bền vững thì ngay từ bây giờ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc phát triển của đối tượng này, cơ quan quản lý thủy sản các tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cá rô phi tại địa phương, quản lý chặt quy hoạch, tránh tình trạng nuôi cá rô phi trong lồng bè tràn lan, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông đường thủy…có như thế tiềm năng, lợi thế mới được phát huy mang lại lợi ích thiết thực cho cả ngành hàng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét