16/3/16

HƯỚNG DẪN GIẢI PHÁP KỸ THUẬT ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN ĐỐI VỚI THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG 
ThS. Phạm Thi Thu Hồng- CCT CCTS

Vào các tháng đầu mùa khô năm 2015 – 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lượng mưa bị thiếu hụt, dòng chảy sông ngòi, kênh rạch bị sụt giảm; hạn hán xảy ra dẫn đến thiếu nước và xâm nhập mặn sâu (30 – 65km) vào nội đồng, nghiêm trọng trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh ven biển đồng bằng.
Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, từ đầu tháng 12/2015 đến nay mực nước sông, rạch trên địa bàn tỉnh cũng giảm đáng kể; độ mặn trên sông, rạch lên cao kỷ lục (có thời điểm cục bộ lên đến hơn 8 ‰), gây khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng và nước sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như huyện Vũng Liêm (toàn bộ Cù lao Dài, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Quới An, thị trấnVũng Liêm,Trung Ngãi, Thanh Bình); huyện Trà Ôn (toàn bộ Cù lao Mây, xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Thiện Mỹ); huyện Mang Thít (xã Chánh An, An Phước, Chánh Hội, Tân An Hội, thị trấn Cái Nhum); huyện Tam Bình (xã Ngãi Tứ, Bình Ninh). Các huyện này được dự báo bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2- 10‰ trở lên. 
Để nhằm chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu mang tính cực đoan và khó lường trên, Chi cục Thủy sản hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để người nuôi thủy sản trong tỉnh ứng phó với xâm nhập mặn nhằm chủ động bảo vệ vật nuôi và tránh thiệt hại trong sản xuất như sau:
1. Thông tin ngưỡng giới hạn độ mặn của nước đối vơi thủy sản nuôi trong tỉnh: 
Đa số đối tượng thuỷ sản nước ngọt nuôi ở tỉnh thuộc loại hẹp muối. Trong môi trường nước, muối có tác dụng tốt để kiểm soát ký sinh trùng, làm ổn định độ cân bằng thẩm thấu, kích thích sản xuất màng nhầy, hạn chế tình trạng ngộ độc nitrite (NO2-) gây bệnh máu nâu ở vài loại cá nước ngọt. Tuy nhiên, phần lớn các loài cá chỉ có thể chịu đựng được sự dao động nhỏ về độ mặn và rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào về nồng độ muối trong môi trường sống của chúng. 
- Ngưỡng chịu đựng độ mặn:
+ Từ 0,01-3‰: hầu hết các loài thủy sản nuôi trong tỉnh có ngưỡng giới hạn độ mặn ở mức (nhỏ hơn) <5‰, tùy vào từng loài nhưng biên độ dao động trong ngày không vượt quá 3‰. Độ mặn cao quá ngưỡng chịu đựng, cá dễ bị nhiễm các bệnh do vi khuẩn và chậm lớn và có thể sẽ chết hàng loạt nếu biến động trong ngày vượt ngưỡng
+ Từ 3-8‰: cá tra, cá bông lau, cá lăng nha, cá rô phi, cá sặc rằn, cá chình, tôm càng xanh…
2. Giải pháp kỹ thuật ứng phó
2.1 Khuyến cáo chung: Mặc dù độ mặn ở khu vực vùng nuôi có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn đã quan trắc chỉ vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của các loài thủy sản trong thời điểm nhất định nhưng các cơ sở nuôi nên thường xuyên theo dõi dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn biến cực đoan của thời tiết để kịp thời ứng phó tránh gây ‘sôc” cho vật nuôi. Riêng ở vùng có nguy cơ xâm nhập mặn: để đề phòng và ứng phó nhiễm mặn, các cơ sở nuôi cá nước ngọt cần chú ý làm bờ ao cao, xem xét kỹ nguồn nước cấp vào ao, đặc biệt là vào thời điểm có triều cường tăng cao, khi phát hiện độ mặn tăng cao và đột ngột cần thay nước ngay lập tức, bơm nước ngọt vào ao từ từ bằng máy bơm cỡ nhỏ tránh hiện tượng biên độ dao động cao và đột ngột. 
Đối với cơ sở nuôi cá lồng/bè: do không chủ động điều chỉnh nồng độ muối trong môi trường sống của cá nên nhất thiết phải nuôi trong vùng quy hoạch, nếu khi ở lưu vực neo đậu bè có độ mặn ≥ 3‰. cần di đời vào hệ thống nuôi trong ao đất.
2.2 Tăng cường quản lý chất lượng nước
- Chủ động lấy nước ngọt vào ao để dự trữ, theo dõi, quản ký môi trường ao nuôi chặt chẽ, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế thay nước thường xuyên. Nếu cần thiết phải thay nước thì không nên thay quá 30% để tránh cá bị “sốc” dễ mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường nước.
- Hạn chế lấy nước vào ao tại các thời điểm độ mặn vượt hơn 5 và không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn, chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay thời điểm thiếu nước và xâm nhập mặn xảy ra.
2.3 Tăng cường ứng dụng kỹ thuật cải tiến cho ăn
Thường xuyên bổ sung thêm Vitamin C, Premix khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá và cần quản lý thức ăn tốt bằng biện pháp cải tiến phương pháp cho ăn:
- Đối với hình thức nuôi cá ao: Nên áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn 7 ngày ngưng 2 ngày hoặc 3 ngày ngưng 1 ngày thay vì ăn liên tục hàng ngày (mà vẫn đảm bảo tăng trưởng của cá nuôi và giảm giá thành sản xuất) để giảm chất thải trong môi trường nuôi từ đó hạn chế tác nhân gây bệnh phát sinh để giảm nhu cầu thay nước. 
- Đối với hình thức nuôi cá lồng/bè, bể bạt ny-lon: vệ sinh lồng bè, bể thường xuyên, diệt khuẩn môi trường nước và tăng cường dinh dưỡng cho cá, nên áp dụng phương pháp cho ăn luân phiên 4 ngày đạm cao (35%): 3 ngày đạm thấp (25%) thay vì cho cá hằng ngày liên tục với hàm lượng đạm cao để giảm chất thải trong môi trường nuôi từ đó hạn chế tác nhân gây bệnh và tác động của xâm nhập mặn làm tổn hại đến sức khỏe vật nuôi đồng thời giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
2.4 Nên đa dạng hóa đối tượng nuôi vào giai đoạn khả năng xâm nhập mặn cao
Các vùng có nguy cơ tác động xâm nhập mặn trong tỉnh đã bị ảnh hưởng và dự báo sẽ có diễn biến bất thường trong tương lai. Vì thế, các cơ sở nuôi thủy sản vùng này nên chú trọng các đối tượng nuôi rộng muối thích nghi 3-8‰ như cá tra, cá bông lau, cá lăng nha, cá rô phi, cá sặc rằn, cá chình, tôm càng xanh./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét