24/7/16


CÁ CHẼM – SẢN PHẨM THỦY SẢN ĐÁP ỨNG TỐT NHU CẦU TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VÀ XUẤT KHẨU
ThS. Phạm Thị Thu Hồng – CCT Chi cục Thủy sản

Cá chẽm hay cá mè kẽm thuộc bộ cá Vược nên các tỉnh phía Bắc còn gọi là cá vược. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, thịt rất ngọt lại thơm ngon, dày, trắng nõn, bổ dưỡng, không xương dăm (xương chữ Y), rất dễ chế biến nhiều món ăn hấp dẫn nên cá chẽm là cái tên quen thuộc với các bà nội trợ Việt trong bữa ăn gia đình hàng ngày cũng như các bữa tiệc cho các sự kiện. Đó cũng là loại nguyên liệu rất được ưa chuộng của các đầu bếp chuyên nghiệp kể cả Á lẫn Âu. Với các món lẫu mẻ cá chẽm ngọt thanh, cá chẽm áp chảo nồng nàn với chút rượu, cá chẽm sốt rau củ đầy màu sắc, cá chẽm chưng tương thơm lừng gia vị hay cá chẽm đút lò kiểu Địa Trung Hải với sốt hành đỏ, cà chua bi, dầu ô-liu…sẽ kích thích tất cả giác quan của thực khách để không thể chối từ.
Với nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như các nước trên thế giới nên Cá chẽm là đối tượng chủ lực trong Chương trình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến 2020 với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là hơn 400 triệu USD và dự báo nhu cầu này vẫn tiếp tục gia tăng trong điều kiện nguồn cá khai thác tự nhiên ngày càng giảm sút. Cá chẽm là loài cá rộng muối, thích nghi từ 0 – 30%o, do cá có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường (từ ngọt đến lợ), với các loại thức ăn, tương đối dễ nuôi nên là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa đối tượng, sản phẩm và hạn chế rủi ro do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối tượng này đều cao.
Hiện tại cá chẽm đã trở thành thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản một số địa phương ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định…, giúp người dân ổn định kinh tế. Trong thời gian gần đây, chất lượng nguồn nước ven biển ngày càng xấu đi đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của nghề nuôi đối tượng này nơi đây thì với hình thức nuôi cá chẽm nước ngọt ở ao/hầm hoặc nuôi bè tỏ ra ưu thế hơn và đang dần phát triển ở một số tỉnh nội đồng miền Tây Nam bộ như An Giang, Cần Thơ…. Điển hình như ông Trương Văn Giàu, ông Phạm Đăng Thập…ở TP. Long Xuyên nuôi cá chẽm nước ngọt trong vòng 8 tháng đạt năng suất 12 - 13 tấn/ha với trọng lượng từ 0,8 - 1kg/con, giá bán trung bình từ 65.000-70.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 60%. Sau 1 năm nuôi cá sinh trưởng nhanh hơn, có thể đạt trọng lượng 1,5 – 3kg/con sẽ có lợi nhuận cao hơn do cá có kích cỡ càng lớn thì giá bán càng cao (100.000 – 150.000đ/kg). Vì thế, đưa cá chẽm vào nuôi nước ngọt với qui mô công nghiệp sẽ là mô hình lý tưởng phù hợp với định hướng đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn của tỉnh ta trong hiện tại cũng như tương lai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét