Cá chình – đối tượng giá trị cao cần khuyến khích phát triển
ThS. Phạm Thị Thu Hồng - CHI CỤC THỦY SẢN
Cá Chình là loài thủy đặc sản thịt ngon có giá trị kinh tế cao, được xếp vào loại cá đắt tiền, rất được ưa chuộng do đáp ứng đầy đủ về giá trị dinh dưỡng và giá trị cảm quan của thị hiếu tiêu dùng. Cá chình rất dễ chế biến thành nhiều món ăn tuyệt vời như cá chình nướng muối ớt hay ngũ vị tỏa ngát hương thơm, cá chình hầm thuốc Bắc ấm lòng mùa đông (theo Đông y có tác dụng bổ dương tráng thận); cá chình xào lăn ngọt thanh, béo ngậy hay lẫu cá chình nấu chua với măng tre Mạnh tông mát dịu mùa hè… sẽ không thể có thực khách nào từ chối trước sự hấp dẫn của những món ăn được chế biến từ đối tượng này. Nhu cầu sử dụng cá chình ở Nhật Bản, Hồng Kong, Hàn Quốc, thị trường EU…là rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng do con giống chưa chủ động sản xuất nhân tạo, còn lệ thuộc vào nguồn tự nhiên.
Cá chình phân bố nhiều từ Quảng Bình vào đến Phú Yên đặc biệt là vùng hồ Châu Trúc ở Bình Ðịnh, hằng năm cung cấp một lượng cá giống quí cho nhân dân các vùng để nuôi. Cá chình là loài cá di cư, cá mẹ đẻ ở biển sâu, cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông, vùng nước ngọt kiếm mồi và lớn lên. Khi trưởng thành, cá lại di cư ra biển sâu để đẻ trứng. Đối tượng này có khả năng thích ứng rộng, cá có thể sống được ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác. Những năm gần đây nghề nuôi cá chình phát triển rất mạnh ở ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện nay cá chình được nuôi phổ biến trong ao đất, nuôi trong lồng bè nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh vùng nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp. Cá Chình có thể được nuôi trong những ao nhỏ và vừa nên các hộ dân có thể tận dụng những ao, đìa xung quanh nhà hoặc từ mô hình “Cải tạo vườn tạp” để phát triển nuôi loài cá này. Là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả sản xuất cao, ít rủi ro với kết quả rất khả quan do giá cá thương phẩm rất cao như loại 1 (từ 2kg/con trở lên) với giá 400.000đ/kg, loại 2 (dưới 2kg/con) giá 300.000đ/kg, trong đó tỉ suất lợi nhuận của người nuôi có thể dao động từ 30 – 40%.
Ở Vĩnh Long, hiện nay cá chình chưa được phát triển nuôi một cách rộng rãi, mặc dù đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rất có tiềm năng và nuôi thương phẩm cũng đạt hiệu quả tài chính cao. Có thể sản xuất với hình thức nuôi trên bể lót bạt chiếm diện tích không nhiều, phù hợp với quy mô hộ gia đình nên đây là đối tượng nuôi có triển vọng phát triển tốt trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đa dạng đối tương trong nuôi thủy đặc sản, có khả năng nhân rộng mô hình sản xuất ở những vùng nông thôn để gia tăng thu nhập nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Với định hướng của tỉnh trong thời gian tới là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó tập trung phát triển nuôi thâm canh cá tra và đa dạng hoá các thủy đặc sản thì đối tượng cá chình rất có tiềm năng cần được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất để góp phần phục vụ tốt cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà nhằm phát triển thủy sản Vĩnh Long theo hướng tăng hiệu quả sản xuất, ổn định và bền vững. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét