19/9/16

KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHẼM TRONG AO NƯỚC NGỌT
Tiểu Mi – CLBKH – Chi cục Thủy sản
Cá chẽm (Lates calcarifer Bloch, 1790) là loài cá có tính rộng muối và có tính di cư xuôi dòng. Cá chẽm ở giai đoạn trưởng thành chủ yếu sống ở vùng nước ngọt như sông, hồ. Khi cá đến giai đoạn thành thục (3 - 4 năm tuổi) thì cá sẽ di cư ra vùng cửa sông, ven biển có độ mặn thích hợp từ 30 – 32 ‰ để sinh sản, ấu trùng sau khi nở ra sẽ đưa vào vùng cửa sông, ven bờ và lớn lên, sau đó cá con sẽ dần dần di cư vào các thủy vực nước ngọt để sinh sống và phát triển thành cá thể trưởng thành. Dựa vào đặc điểm rộng muối của cá chẽm thích nghi từ 0 – 30 ‰, mà phong trào nuôi cá chẽm nước ngọt ở ao/hầm hoặc nuôi bè ngày càng được phát triển ở một số tỉnh nội đồng như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp,…Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần chú ý trước khi tiến hành nuôi cá chẽm thương phẩm trong môi trường nước ngọt là cần phải thuần hóa con giống từ môi trường nước lợ, mặn sang môi trường hoàn toàn nước ngọt.
Nhằm mang lại hiệu quả nuôi cao nhất cho người nuôi, sau đây chúng tôi xin tổng hợp một số kỹ thuật nuôi cơ bản của cá chẽm thương phẩm trong ao nước ngọt:
1. Về thiết kế ao nuôi và cải tạo ao nuôi
Ao nuôi cá kích cỡ từ 1.000 m2 trở lên, thiết kế hình dạng ao nuôi sao cho dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Độ sâu của ao thường dao động từ 1,2- 1,5 m và thiết kế cống cấp, cống thoát nước riêng biệt để thuận tiện cho việc chủ động thay nước. 
Trước khi thả nuôi cá cần tiến hành thực hiện công tác cải tạo ao nuôi như: tháo cạn nước, vét bùn, kiểm tra lại bờ ao, lấp các chỗ rò rỉ và hang hốc quanh bờ ao, sau đó tiến hành bón vôi diệt tạp với liều lượng 10-15 kg/100m2, phơi khô đáy ao. Sau đó, cấp nước vào ao nuôi khoảng 0,3- 0,4 m qua lưới lọc để ngăn chặn cá tạp và tiến hành bón phân gây màu nước cho ao nuôi. Sau 2-3 ngày khi nước có màu xanh lục giống màu lá chuối non thì lấy nước vào ao nuôi đạt mực nước 1,2- 1,5 m, sau đó tiến hành thả cá giống.
2. Chọn giống và thả giống
Tiêu chuẩn chọn giống: 
Do cá chẽm là loài cá dữ vì vậy yêu cầu quan trọng về con giống phải chọn kích cỡ đồng đều nhằm hạn chế tối đa sự hao hụt do cá ăn lẫn nhau. Chọn con giống không bị xây xát, cá giống có màu sắc tự nhiên và không bị dị hình, dị tật. Cá giống khoẻ mạnh bơi lội nhanh nhẹn, đồng thời có phản xạ tốt khi có tác động từ bên ngoài. Lưu ý: nên mua giống ở các cơ sở uy tín có đăng ký sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm dịch theo qui định của cơ quan chức năng. 
Thuần hóa con giống:
Trước khi chuyển cá về nuôi trong ao nước ngọt cần thuần hóa cá từ môi trường nước lợ, mặn sang nước ngọt bằng cách pha nước ngọt để hạ độ mặn xuống từ từ, thời gian thuần hóa 5 - 7 ngày cho đến khi cá hoàn toàn thích nghi ở nước ngọt lúc đó mới chuyển vào ao nuôi nước ngọt. Nếu người nuôi chưa có kinh nghiệm thì nên yêu cầu cơ sở sản xuất giống thực hiện trước khi mua để ít hao hụt hơn..
Mật độ giống thả nuôi: 
Chọn con giống thả nuôi có kích thước từ 8 - 10 cm và mật độ thả nuôi là 1,5 - 2 con/m2. 
Chú ý: nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thả giống vào những ngày mưa lớn. Trước khi thả giống phải ngâm bao chứa cá giống trong ao khoảng 15 - 30 phút cho cá thích nghi dần với điều kiện môi trường của ao nuôi, tránh gây sốc cho cá do nhiệt độ và môi trường nước ao thay đổi đột ngột.
3. Thức ăn và cách cho ăn
Thức ăn:
Thức ăn sử dụng cho cá chẽm rất đa dạng, có thể sử dụng cá tạp hoặc có thể sử dụng kết hợp thức ăn công nghiệp và cá tạp hoặc dùng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dùng cho cá có vẩy có hàm lượng Protein (đạm) từ 32 – 40% tùy giai đoạn (cao trong 3 tháng đầu và giảm dần về sau).. . Nên định kỳ hàng tuần trộn thêm Vitamin C và Premix khoáng (liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất) cho cá để tăng sức đề kháng và cân bằng dinh dưỡng giúp tăng cường chuyển hóa thức ăn..
Cách cho ăn: 
Cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng (8 giờ) và buổi chiều (17 giờ) với 10% trọng lượng cá trong ao ở 2 tháng đầu. Sau đó chỉ cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều với 5% trọng lượng cá trong ao Khi cho ăn cần lưu ý chỉ nên cho cá ăn khi cá bơi gần mặt nước và cho cá ăn phải cố định vị trí nhất định trong ao. Cá chẽm là loài cá có tập tính đi theo đàn, cá thường bắt mồi ở tầng giữa là chính, vì vậy chỉ cho cá ăn khi cá bơi lội gần mặt nước.
4. Chăm sóc và quán lý ao nuôi
Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống và mực nước trong ao để kịp thời xử lý các yếu tố bất thường nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Định kỳ thay nước theo chu kỳ 3 ngày/lần tạo môi trường sạch phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển tốt trong ao.
Ngoài ra, cần theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: nhiệt độ, oxy hoà tan, pH và các khí độc.­­ Thường xuyên kiểm tra rào chắn ao nuôi nhằm phòng chống các loại địch hại gây hại cho cá. 
5. Một số bệnh thường gặp ở cá chẽm
- Bệnh do nguyên sinh động vật:
Cá do nguyên sinh động vật ký sinh, làm cá bơi lội bất thường như mất thăng bằng, da rướm máu hoặc xây xát, màu sắc không bình thường. Cá bỏ ăn, các mô bị ăn mòn, cá tiết ra nhiều nhớt, xuất huyết và thân bị trương lên hay mắt bị sưng phồng. Cách điều trị: sử dụng formol tạt xuống ao với liều lượng 20 – 25 ppm.
- Bệnh sán lá mang: 
Cá bị nhiễm sán lá thường tiết nhiều dịch nhầy ở mang làm cho cá hô hấp khó khăn, khi tỷ lệ nhiễm sán cao thì có thể gây chết cá hàng loạt. Cách điều trị: tắm cá với dung dịch formol 150 - 200 ppm hoặc phun xuống ao với formol 25 - 30 ppm trong 1 - 2 ngày. 
- Bệnh đỉa cá:
Đỉa cá là loại ký sinh trùng hút máu làm cho cá chậm lớn hoặc gây chết cá. Đỉa cá thường ký sinh ở gốc vây, vẩy, hốc miệng và mũi cá. Cách điều trị: tắm cho cá bằng nước muối 3 - 5‰ hoặc sử dụng formol với nồng độ 20 -25 ppm.
6. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 8 - 10 tháng, cá đạt trọng lượng từ 0,8 – 1 kg thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc dùng lưới kéo thu hoạch toàn bộ cá trong ao. Lưu ý: cá chẽm tươi sống sẽ có giá trị cảm quan và dinh dưỡng cao hơn cá ướp đá, vì thế để tăng hiệu quả sản xuất người nuôi nên chuẩn bị dụng cụ thu hoạch thích hợp có hệ thống sục khí để đảm bảo cá còn sống thì bán sẽ có giá cao hơn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét