19/9/16

CÔNG NGHỆ BIOFLOC TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
ThS. Huỳnh Trấn Quốc - Chi cục Thủy sản
Nước là môi trường sống của các loài thủy sản, do đó để nuôi thủy sản đạt được hiệu quả cao thì vấn đề quản lý chất lượng nước là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ở các mô hình nuôi thủy sản thâm canh thì việc kiểm soát chất lượng nước không dễ thực hiện (đặc biệt ở những nơi khó khăn trong việc trao đổi nước) do lượng chất thải thải ra hàng ngày từ mô hình này tương đối lớn. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm của ao nuôi, một số biện pháp sinh học đã được áp dụng chẳng hạn như sử dụng chế phẩm sinh học hay áp dụng lọc sinh học; tuy nhiên, chỉ cải thiện được một phần và làm phát sinh đáng kể chi phí. Gần đây, công nghệ Biofloc được áp dụng ngày càng phổ biến và được xem là một giải pháp sinh học hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường trong ao nuôi thủy sản thâm canh.
Biofloc là gì?
Trong nước ao nuôi thủy sản luôn tồn tại các vi khuẩn dị dưỡng có lợi, các vi khuẩn này có khả năng đồng hóa các chất thải hữu cơ và chuyển thành sinh khối của chúng (rất giàu protein) trong thời gian rất ngắn mà không cần ánh sáng như các loài tảo. Nếu môi trường thích hợp, nhóm vi khuẩn này sẽ phát triển rất nhanh và khi được giữ lơ lửng trong nước liên tục ở một mật độ thích hợp, các vi khuẩn này sẽ kết dính với nhau thành những hạt nhỏ gọi là floc. Các hạt floc này liên tục di chuyển và đính kết các sinh vật nhỏ khác trong ao nuôi, do đó trên hạt floc ngoài nhóm vi khuẩn dị dưỡng thì còn có sự hiện diện của các sinh vật khác như nấm, tảo, động vật phù du và thậm chí là động vật đáy có kích thước nhỏ. Vì thế, các hạt floc này được gọi là Biofloc (hạt sinh học) có giá trị dinh dưỡng khá cao và vì thế có thể dùng làm thức ăn cho thủy sản nuôi.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống Biofloc
Hệ thống Biofloc trong ao nuôi chỉ hoạt động khi các vi khuẩn dị dưỡng phát triển đến một sinh khối nhất định và nhóm vi khuẩn này chỉ phát triển tốt khi mà hàm lượng Carbon (C) và Nitơ (N) có trong môi trường sống của chúng được duy trì ở một tỷ lệ C/N thích hợp (khoảng 15/1). Trong các mô hình nuôi thủy sản thâm canh thì hàm lượng N trong ao nuôi thường rất cao do đó để có thể tạo ra môi trường 15C:1N thì phải bổ sung thêm vào ao nuôi nguồn cung cấp giàu C. Các nguồn cung cấp C rẻ tiền thường được sử dụng là nước rỉ đường/mật mía, bột mì/bột sắn hoặc ngũ cốc chất lượng kém. Nếu sử dụng rỉ đường thì liều lượng tốt nhất là 15 - 20 kg/ha/lần và bổ sung vào ao nuôi 2 - 3 lần/tuần. Tuy nhiên, nên khống chế không để các hạt floc phát triển với mật độ quá dày sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tôm cá nuôi. Biofloc được duy trì ở mức dưới 15 ml/L trong khi hoạt động là phù hợp.
Ngoài ra, để hệ thống Biofloc hoạt động hiệu quả thì phải duy trì độ khuấy đảo nước trong ao và hàm lượng oxy hòa tan thích hợp. Khi áp dụng hệ thống Biofloc phải đảm bảo các hạt floc được cung cấp oxy và khuấy đảo liên tục, nếu hệ thống ngừng hoạt động thì các hạt floc sẽ lắng xuống đáy và nhanh chóng hình thành các vùng yếm khí, có thể gây chết ngộp cho thủy sản nuôi nhất là những loài thủy sản sống tầng đáy như tôm.
Những đối tượng thủy sản thích hợp để nuôi trong hệ thống Biofloc
Những loài thủy sản có thể chịu đựng được hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) cao và có khả năng sử dụng trực tiếp các hạt biofloc làm thức ăn thì sẽ thích hợp nhất để nuôi trong hệ thống Biofloc. Vì vậy các loài như tôm, cá rô phi hoặc cá chép…. có đặc điểm sinh học phù hợp, do chúng tiêu hóa tốt protein từ vi khuẩn và sử dụng các hạt biofloc như là một nguồn thức ăn. Không nên áp dụng hệ thống Biofloc để nuôi cá da trơn vì nhóm này không chịu đựng được môi trường nuôi có hàm lượng TSS cao.
Các hệ thống Biofloc cơ bản
Có nhiều hệ thống Biofloc khác nhau tùy theo mô hình nuôi, hệ thống nuôi, đối tượng nuôi, nguyên vật liệu sử dụng… nhưng có thể chia hệ thống Biofloc ra thành hai nhóm chính. Thứ nhất là hệ thống Biofloc trong nhà kín (không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên) hay còn gọi là hệ thống nước nâu do ở mô hình này không có sự hiện diện của tảo trong ao nuôi. Các vi khuẩn dị dưỡng được tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngay từ đầu bằng cách bổ sung C, tăng cường oxy hòa tan và khuấy đảo nước. Hệ thống này thường được áp dụng cho các mô hình nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh trong nhà kín. Thứ hai là hệ thống Biofloc ngoài trời ( hoặc nuôi trong hệ thống nhà kính) hay còn gọi là hệ thống nước xanh, ở mô hình này nước ao nuôi sẽ chuyển dần từ màu xanh sang màu nâu theo sự giảm dần của mật độ tảo. Đầu tiên, tảo sẽ phát triển và giữ vai trò ổn định nước ao nuôi; tiếp theo đó, nguồn cung cấp C được bổ sung vào kết hợp với tăng cường cung cấp oxy và khuấy đảo nước để các hạt floc phát triển. Khi các hạt floc đạt được mật độ nhất định sẽ cạnh tranh môi trường sống, dinh dưỡng với nhóm tảo và tảo sẽ tiêu biến dần trong ao nuôi do không còn môi trường thích hợp để phát triển.
Các lợi ích của việc áp dụng Biofloc
Nuôi thủy sản theo công nghệ Biofloc đảm bảo mô hình nuôi an toàn sinh học, thủy sản nuôi ít bị dịch bệnh do các vi sinh vật gây bệnh bị ức chế bởi nhóm vi khuẩn dị dưỡng có rất nhiều trong hệ thống nuôi. Vì vậy mà hiệu quả nuôi sẽ được nâng cao do tiết kiệm được chi phí thuốc, hóa chất, thức ăn sử dụng (do tôm cá sử dụng các hạt floc như một nguồn thức ăn sẵn có)… trong khi năng suất và sản lượng sẽ được nâng cao do thủy sản nuôi tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Mặc dù phải đầu tư hệ thống tăng cường oxy và khuấy đảo nước, tuy nhiên chi phí này là không đáng kể so với hiệu quả mà hệ thống mang lại. Ngoài ra, mô hình này cũng phù hợp cho những vùng nuôi gặp khó khăn trong việc trao đổi nước do chất thải đã được xử lý tại chỗ, không cần thay nước trong suốt vụ nuôi (chỉ bổ sung nước khi cần thiết).
Khả năng áp dụng tại Việt Nam

Ngày nay. ứng dụng công nghệ sinh học rất phổ biến trong nuôi trồng thủy sản trên thế giới trong đó có ứng dụng Biofloc. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho hệ thống ban đầu khá lớn và yêu cầu nhân lực phải có trình độ hiểu biết nhất định khi vận hành nên trước đây các mô hình nuôi Biofloc ở Việt Nam chủ yếu là ở dạng nghiên cứu, thử nghiệm. Với nguyên lý hoạt động và đặc tính kỹ thuật như trên thì hệ thống Biofloc cũng có thể được áp dụng hiệu quả cho một số mô hình nuôi thủy sản nước ngọt thâm canh như nuôi thương phẩm cá rô phi, sặc rằn và ương giống tôm càng xanh…Hiện nay, đã có một vài mô hình nuôi tôm nước lợ, mặn công nghệ cao áp dụng công nghệ Biofloc được các công ty nuôi thủy sản ứng dụng với quy mô lớn mang lại hiệu quả khá tốt đáp ứng nhu cầu năng suất cao mà sản phẩm vẫn bảo đảm sạch, thân thiện với môi trường…. mở ra triển vọng phát triển hệ thống này trong thời gian sắp tới.   
Hệ thống Biofloc trong nhà kín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét