12/9/16

NUÔI CÁ ĐĨA – THÚ CHƠI KỲ CÔNG
Trấn Quốc – Chi cục Thủy sản
Cá Đĩa (còn gọi là cá Dĩa hay Ngũ sắc thần tiên) là một loài cá cảnh rất được người chơi ưa chuộng và tôn là “Nhất Đại Mỹ Ngư” tức là loài cá đẹp nhất trong các loài được nuôi làm cảnh. Thật vậy, cá Đĩa có nhiều loại với màu sắc và hoa văn khác nhau rất hấp dẫn chẳng hạn như cá Đĩa bồ câu, Đĩa lam, Đĩa nâu, Đĩa vàng, Đĩa trắng, Đĩa dưa hấu, Đĩa da rắn… Tuy nhiên, cá Đĩa tương đối khó nuôi so với các loài cá cảnh khác, do đó để có thể nuôi thành công cá Đĩa đòi hỏi người chơi phải thật sự đam mê, đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. 
Trong tự nhiên, cá Đĩa được tìm thấy ở các vùng nước tù đọng, trũng thuộc các nhánh của sông Amazon chảy qua các nước Nam Mỹ. Cá Đĩa thích sống ở nơi yên tĩnh, nhiệt độ ấm, nước phải trong và có tính axit nhẹ. Do đó, khi nuôi cá Đĩa cần lưu ý đặt bể nuôi ở nơi thật yên tĩnh, ít tiếng ồn, tránh nơi có ánh sáng mạnh và quản lý chất lượng nước thật tốt (tốt nhất pH: 6 - 6,8, nhiệt độ: 25 - 28oC). Một thay đổi dù nhỏ của yếu tố môi trường, bị quấy rối bởi tiếng ồn hay các loài cá khác trong bể cũng có thể gây stress cho cá.
Trước khi thả cá nuôi cần kiểm tra cẩn thận các yếu tố môi trường, đảm bảo chất lượng nước trong bể nuôi không chênh lệch quá nhiều (đặc biệt là pH, nhiệt độ, độ cứng…) với môi trường sống trước đó của cá. Có thể sử dụng nước giếng để nuôi cá nhưng phải đảm bảo điều chỉnh chất lượng phù hợp trước khi thả nuôi. Nếu sử dụng nước máy phải khử Chlorine trước khi cấp vào để tránh gây ngộ độc cho cá. Đối với nước sông thì cần phải lắng, lọc kỹ để nước thật trong và cần xử lý vi sinh vật gây bệnh (có rất nhiều trong nước sông) mới có thể sử dụng để nuôi cá. Tốt nhất chỉ nên nuôi cá Đĩa với nhau thì cá sẽ không nhút nhát và thích nghi nhanh với môi trường nuôi. Tuy nhiên, cũng có thể nuôi ghép cá Đĩa với các loài cá hiền khác trong các bể thủy sinh; chẳng hạn như cá ông tiên, sặc gấm, neon, bảy màu, phượng hoàng… Người mới tập chơi nên thả nuôi cá có kích cỡ khoảng 5 - 6 cm để dễ chăm sóc, tùy theo loại mà có giá dao động khoảng từ 120 - 500 ngàn đồng/con.
Cá Đĩa ăn rất ít nhưng đòi hỏi các loại ăn phải có hàm lượng đạm cao. Các loại thức ăn ưa thích của cá là trùn chỉ, lăng quăng già, cá trâm, thịt bò, gan bò, tép, thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp dạng mảnh dành riêng cho cá Đĩa (rất mỏng). Do miệng của cá khá nhỏ do đó khi lựa chọn và chế biến thức ăn cho cá cần lưu ý băm nhỏ thức ăn vừa cỡ miệng cá để cá có thể bắt mồi tốt. Nên thay đổi mồi cho cá thường xuyên để tránh gây nhàm chán và kích thích cá bắt mồi tốt hơn. Cho cá ăn 2 - 4 lần/ngày (theo nhu cầu) vào buổi sáng là tốt nhất, không nên cho cá ăn vào chiều tối và sau khi cá ăn phải siphon hay vớt thức ăn thừa ra khỏi bể để môi trường nước nuôi luôn sạch.
Quản lý tốt môi trường nước bể nuôi là yếu tố quyết định khi nuôi cá Đĩa. Nước bể nuôi nên được thay mới thường xuyên do thức ăn của cá có hàm lượng đạm cao và cơ thể cá tiết nhớt rất nhiều do đó nước bể nuôi rất mau dơ và sinh ra các khí độc. Ít nhất cũng phải thay nước bể nuôi cá Đĩa 2 lần/tuần và mỗi lần thay chỉ tối đa 50% nước để tránh cá bị sốc nước mới. Bể nuôi phải đảm bảo đủ dưỡng khí và có hệ thống lọc tiêu chuẩn, tốt nhất nên sử dụng hệ thống lọc sinh học để môi trường nước luôn ổn định thì cá sẽ khỏe mạnh và màu sắc sẽ rực rỡ.

Nuôi cá Đĩa sẽ không khó với những người thật sự đam mê, yêu thích loài cá đặc sắc này. Nếu nuôi cá cảnh để bầu bạn thì người nuôi cá Đĩa sẽ thấy rất thú vị vì cá có khả năng nhận biết chủ nhân và sẽ mừng rỡ khi được chủ cho ăn, đùa giỡn cùng.

Hình: cá Đĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét