25/10/15

TÍCH CỰC SÁNG TẠO KỸ THUẬT ĐỂ NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT KHI THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
PTTH – CLBKH Chi cục Thủy sản
 
Sáng tạo kỹ thuật là một phong trào tiến quân vào KH&CN đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và khuyến khích phát triển thành hội thi từ nhiều năm qua. Ở cấp quốc gia, Hội thi đã được tổ chức kể từ năm 1989, đặc biệt từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg ngày 14/7/2006 về việc chỉ đạo tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên toàn quốc. Hưởng ứng chủ trương lớn đó, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long được tổ chức hai năm một lần, từ năm 2006 đến nay và được vinh dự mang tên của cố Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, một nhà khoa học của quốc gia và thế giới. Nhằm tiếp tục khơi dậy và đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hỗ trợ các tài năng sáng tạo trong lao động, đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp hữu ích, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long qua 5 lần tổ chức đã tạo nên một phong trào sáng tạo sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh với nhiều đề tài, giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (gọi chung là giải pháp) được áp dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân, tạo được nguồn lực KH&CN mới cho tỉnh nhà. Đồng thời, chọn ra những giải pháp xuất sắc tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC).
Hội thi lần thứ V (2014-2015) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo phát động từ tháng 4/2014, sau thời gian tuyên truyền, vận động đã có 67giải pháp tham gia thuộc 6 lĩnh vực: (1) Công nghệ thông tin: 10 giải pháp; (2) Công nghiệp, cơ khí, tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải: 21 giải pháp; (3) Công nghệ sinh học, nông ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường: 08 giải pháp; (4) Chăn nuôi: 03 giải pháp; (5) Giáo dục và đào tạo: 23 giải pháp; (6) Khác: 02 giải pháp.Tổng kết Hội thi, Ban tổ chức đã trao 07 Giải nhì (không có giải nhất); 14 Giải ba và 28 Giải khuyến khích cho các cá nhân và nhóm tác giả. Riêng Sở NN&PTNT đã đăng ký 3 giải pháp và tất cả đều được xét công nhận và trao giải thưởng vào ngày 08/10/2015, trong đó có 1 giải pháp trong số 10 giải pháp xuất sắc nhất toàn tỉnh đã được Ban tổ chức lựa chọn tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII, năm 2014-2015.
Với giải pháp “Ứng dụng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm không bùn để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm”của nhóm tác giả ThS. Huỳnh Trấn Quốc, ThS. Phạm Thị Thu Hồng và ThS Lê Thị Tiểu Mi (Chi cục Thủy sản) đã được trao giải khuyến khích. Mô hình nuôi nuôi lươn không bùn với giá thể bằng tre cho phép tối ưu hóa mật độ (200 – 250 con/m2) và năng suất (25 – 30 kg/m2), không sử dụng bùn nên nơi nào nuôi cũng được nhất là vùng ngoại ô hoặc đô thị, dễ dàng quản lý và chăm sóc nên hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh bệnh từ đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc và hóa chất (hiện tượng thường thấy các mô hình nuôi thâm canh) dẫn đến sản phẩm nuôi đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt hơn mô hình này có tỷ suất lợi nhuận đạt khá cao so với các mô hình nuôi thủy sản khác dao động từ 39,59 - 65,38%, đạt lợi nhuận từ 910.000 - 1.252.000 đồng/m2 so với lợi nhuận mô hình nuôi lươn sử dụng bùn đất làm giá thể là 195.550 - 455.050 đồng/m2 cho thấy hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích thả nuôi vượt trội hơn mô hình nuôi có bùn trong việc tận dụng diện tích đất canh tác.
Tham gia lần thứ hai (Hội thi lần thứ IV đạt giải khuyến khích), ThS. Trần Thị Thanh Hiền (Chi cục phát triển Nông thôn) & cộng sự đã đạt giải ba với giải pháp kỹ thuật: Ứng dụng biện pháp cung cấp kali để nâng cao năng suất, phẩm chất củ khoai lang Tím Nhật ở tỉnh Vĩnh Long. Biện pháp bón kali dễ dàng áp dụng đối với nông dân trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long (giảm số lần bón phân chỉ còn 5 lần/vụ so với tập quán bón phân của nông dân trung bình từ 7-8 lần/vụ), đã mang lại hiệu quả kỹ thuật và kinh tế thể hiện tính ứng dụng cao vì đã tăng năng suất củ thương mại so với mô hình không bón kali là 57,9%, so với bón theo nông dân là 31,6% đồng thời lợi nhuận tăng thêm trung bình 109 triệu đồng/ha so với mô hình không bón kali; giải pháp này mang lại phẩm chất củ được tăng lên rất đáng kể thể hiện tăng hàm lượng đường tổng số, tinh bột, hàm lượng anthocyanin toàn phần trong củ, màu tím của củ so với mô hình không bón kali....Vì thế, hiện nay hầu hết nông dân trồng khoai lang Tím Nhật ở tỉnh Vĩnh Long đã triển khai ứng dụng với diện tích canh tác khoai lang hằng năm ở tỉnh nhà trên 10.000 ha
Đặc biệt, lần này ngành chúng ta liên tiếp có 01 giải pháp được trao giải hạng nhì của Hội thi. Đăy là lần thứ 2 nhóm tác giả ThS. Phạm Thị Thu Hồng, ThS. Nguyễn Thị Em và cộng sự (Chi cục Thủy sản) đạt thứ hạng cao với gỉải pháp “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo”. Giải pháp kỹ thuật sản xuất giống lươn bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo là hoàn toàn không sử dụng thuốc kích dục tố cho lươn sinh sản, chỉ tác động dinh dưỡng và môi trường sống của vật nuôi vào 2 giai đoạn nuôi vỗ thành thục lươn bố mẹ và cho lươn đẻ hoàn toàn tự nhiên trong bể đất lót bạt, sau đó người nuôi sẽ chủ động tiến hành thu trứng ấp cho nở thành lươn bột và bố trí ương lươn bột lên lươn giống trong điều kiện có sục khí, hoàn toàn do con người chăm sóc và kiểm soát các yếu tố môi trường sống (thủy lý hóa ) của lươn. Với mô hình sản xuất giống có qui mô 24 m2, sau 9 tháng người sản xuất giống có lợi nhuận khá cao dao động từ 9.741.000 - 40.952.000 đ/24m2/MH với tỉ suất lợi nhuận từ 45,5- 129,8% . Kết quả ứng dụng của giải pháp đã thu hút được nhiều hộ tham gia sản xuất giống và nuôi lươn đồng trên địa bàn tỉnh, góp phần xã hội hóa công tác giống thủy sản nói chung và thủy đặc sản nói riêng của tỉnh nhà, giảm việc khai thác giống quá mức, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Đặc biệt trong năm 2013-2014, 18 hộ tham gia sản xuất giống (Tam Bình: 13 hộ; Mang Thít: 5hộ) đều có lãi từ 250 – 450 triệu/cơ sở. Hiệu quả trong sản xuất ứng dụng đã được nâng lên từ việc sử dụng con giống sinh sản bán nhân tạo so với trước đây sử dụng giống tự nhiên được đánh bắt với nhiều hình thức mang tính hủy diệt và với nhiều kích cỡ khác nhau. Các mô hình nuôi thương phẩm từ con giống được sản xuất bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo, sau 9 tháng nuôi, kết quả đạt tỉ lệ sống trung bình (70,7%) cao hơn mô hình sử dụng giống tự nhiên không rõ nguồn gốc từ 30 – 40%, sản lượng thu hoạch từ 270kg - 336kg/MH với năng suất đạt từ 6,5kg – 8,1kg/m2 nên lợi nhuận khá cao, dao động từ 7.822.000 - 17.282.000đ/40m2/MH với tỉ suất lợi nhuận từ 34,7 - 82,2%. Từ kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng giải pháp kỹ thuật trên đã tạo công ăn việc làm cho nông dân, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với qui mô nhỏ ở những vùng thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Tham gia liên tiếp 3 lần Hội thi, ở cấp tỉnh, CBCC ngành NN đạt 02 giải nhì (lần IV và V), 02 giải ba (lần III và V) 03 giải KK (lần IV và V), ở cấp quốc gia đạt giải KK (lần IV). Với kết quả trên, lần thứ hai Sở NN &PTNT đã được Ban tổ chức khen thưởng là đơn vị có phong trào vận động tham gia Hội thi tốt nhất. Đây cũng là điều khích lệ lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật của ngành có nhiều giải pháp kỹ thuật sáng tạo hơn để hưởng ứng tích cực trong những lần tổ chức tiếp theo nhằm góp phần đạt mục tiêu gia tăng hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững khi ứng dụng KH&CN thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020. Và đó cũng là hoạt động hưởng ứng tích cực phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sáng tạo trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới/.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét